Các chuyên gia cho rằng lệnh cấm của Mỹ sẽ tác động tới các hãng cung ứng bởi họ cần thời gian để xin giấy phép theo quy định mới của Mỹ.
Nạn nhân đầu tiên là MediaTek. Sau lệnh cấm đầu tiên vào tháng 5, Huawei đã lên kế hoạch sản xuất điện thoại sử dụng chip của MediaTek thay vì chip tự sản xuất để lách lệnh. Hãng sản xuất chip đến từ Đài Loan đã cung cấp các giải pháp vượt trội cho nhiều thế hệ điện thoại thông minh của Huawei. Thông tin siết chặt lệnh cấm đối với hãng Trung Quốc khiến cổ phiếu của MediaTek giảm gần 10%, kéo theo cổ phiếu ngành bán dẫn châu Á giảm điểm.
Nhà phân tích Randy Abrams của Credit Suisse nhận định: "MediaTek sẽ chịu tác động không nhỏ từ lệnh cấm này, tuy nhiên, hãng có thể bù đắp thiệt hại bằng cách cung cấp chip cho các đối thủ của Huawei". Tổ chức tín dụng Credit Suisse đã hạ dự báo tăng trưởng của MediaTek từ tích cực xuống ổn định.
Các hãng khác tại Trung Quốc như Oppo, Vivo hay Xiaomi sẽ hưởng lợi khi tăng được thị phần bán điện thoại trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này lại khiến 3 hãng điện thoại Trung Quốc càng phụ thuộc vào chip Qualcomm của Mỹ.
Samsung là công ty được hưởng lợi tiếp theo sau những tai ương của Huawei. Sanjeev Rana, nhà phân tích tại CLSA cho biết: "Thị trường điện thoại thông minh sắp tới sẽ tái cân bằng khi thị phần của Huawei bị các hãng khác chiếm. Do đó, nhu cầu về chip nhớ do Samsung sản xuất sẽ vẫn ổn định".
Trong số các nhà cung cấp của Nhật Bản, cổ phiếu của Sony đã giảm hơn 1%. Nhà phân tích Atul Goyal của Jefferies ước tính Huawei là khách hàng lớn thứ hai của Sony về cảm biến ảnh sau Apple, chiếm khoảng 20% doanh thu của hãng. Ông Goyal nói: "Sony đã giảm sản lượng của cảm biến hình ảnh và đang tính đến tác động của Huawei trong các dự báo của hãng".
Về dài hạn, các nhà phân tích kỳ vọng Sony sẽ bù đắp được phần nào khoản lỗ của Huawei bằng cách tăng doanh số bán hàng cho các công ty Trung Quốc khác, như Vivo và Xiaomi.
Đăng Thiên (theo Reuters)