Trong cuộc chơi giữa các công ty công nghệ trên thế giới, Huawei với vị thế là hãng sản xuất smartphone số một thế giới nắm vai trò như một quân vua. Tuy nhiên gần đây hãng này lại đang trở thành một quân tốt trong cuộc chơi giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Stewart Randall, Giám đốc bộ phận phần mềm tích hợp và điện tử của hãng tư vấn Intralink, cho rằng Mỹ đang tìm cách "giết" Huawei. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa có bất kỳ hành động nào nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei. Những gì Trung Quốc làm chỉ là lập ra một danh sách đen các công ty không đáng tin cậy của Mỹ.
Kenny Liew, nhà phân tích viễn thông của hãng Fitch Solutions, nhận định Trung Quốc sẽ không tiến hành trả đũa. "Trung Quốc vẫn thu được nguồn lợi lớn từ các công ty gia công thiết bị cho Apple, một hành động cấm cửa đối với các doanh nghiệp Mỹ chắc chắn sẽ khiến dây chuyền sản xuất này dịch chuyển tới quốc gia khác", bà nói.
Bắc Kinh có vẻ đang "câu giờ" chờ kết quả kỳ bầu cử Tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, kể cả khi ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng tiếp theo, kết cục với Huawei cũng không khác nhiều. Bất kể ai là người đắc cử Tổng thống tháng 11 tới, Huawei vẫn cần phải tìm ra một giải pháp dài hạn để sống sót mà không có công nghệ Mỹ.
"Thời kỳ sóng gió với Huawei vẫn còn ở phía trước, nhưng nếu Huawei có thể tái cấu trúc và tập trung lại các ngành sản xuất của mình, hãng này có thể vượt qua được khủng hoảng. Và chắc chắn Huawei lúc đó sẽ là một công ty hoàn toàn khác", Liew nhận định.
Đầu tiên, Huawei sau khủng hoảng sẽ không còn là hãng sản xuất smartphone số một thế giới nữa. Với lệnh cấm mới nhất của Mỹ, năm 2020 có thể đặt dấu chấm hết cho dòng chip Kirin chủ lực của hãng. Đây là điều được Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận đầu tháng 8. Đến cuối năm nay, số lượng chip 5G được Huawei tích trữ trong kho sẽ giảm còn khoảng 50 triệu và khả năng cao sẽ cạn kiệt vào quý I/2021. Sau đó, smartphone của Huawei sẽ mất cạnh tranh vì không thể đặt hàng từ các hãng khác mà không có giấy phép từ Mỹ.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là ngành các sản phẩm tiêu dùng chiếm hơn 50% tổng doanh thu của công ty. Các sản phẩm của Huawei như smartphone, tablet, PC, đều cần linh kiện bán dẫn để hoạt động.
Mảng kinh doanh 5G mà Huawei luôn tự hào cũng đang chứng kiến tình hình khan hiếm linh kiện quan trọng để phát triển các trạm phát sóng 5G. Hãng này đang bị cắt mất nguồn cung chip quan trọng từ tập đoàn TSMC của Đài Loan. Ngoài lệnh cấm tiếp cận công nghệ, Huawei còn bị loại bỏ khỏi các dự án phủ sóng 5G của nhiều quốc gia trên thế giới gồm: Anh, Pháp, Nhật, Australia và sắp tới là Ấn Độ.
Tại thị trường Trung Quốc quê nhà, Huawei nhờ vào nguồn chip dự trữ đã giành được quá nửa số lượng hợp đồng lắp đặt hạ tầng 5G cho ba nhà mạng lớn nhất nước này, đánh bật đối thủ Ericsson của Thụy Điển và nhà sản xuất thiết bị viễn thông đồng hương, ZTE.
Một nhà đầu tư tại Thượng Hải so sánh tình thế của Huawei với một con cờ trong trận chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhận định, để giải quyết vấn đề, Trung Quốc cần thỏa hiệp vì hiện họ không thể đánh bại Mỹ trong ngành công nghiệp chip.
Tại trụ sở chính tại Thâm Quyến của Huawei, các hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, nhưng các nhân viên ở đây tỏ ra lo lắng về công việc của họ. Một số nghĩ họ sẽ bị giảm tiền thưởng hoặc thậm chí bị sa thải trong tương lai gần. Một số đã bắt đầu tìm việc ở nơi khác. Xung đột giữa Huawei và Washington diễn ra tương tự với tình huống mà ZTE phải đối mặt vào năm 2018. ZTE lúc này bị cấm sử dụng công nghệ của Mỹ khi bị cho là vận chuyển trái phép hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đến Iran và Triều Tiên.
Huawei cũng đang bị Washington điều tra vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, dẫn đến việc bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu, con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, tại sân bay Vancouver cuối năm 2018. Bà bị tố cáo che đậy liên hệ của Huawei với một công ty Iran.
Tuy nhiên, sự tương đồng với ZTE kết thúc ở đó. Sau lời thỉnh cầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lệnh cấm ZTE đã được dỡ bỏ và công ty đồng ý trả thêm một tỷ USD tiền phạt và để các cơ quan quản lý Mỹ giám sát hoạt động của mình. Ông Tập lần này sẽ không thể can thiệp giúp Huawei vì một động thái như vậy chắc chắn sẽ khiến bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ càng tồi tệ hơn. Giải pháp tự sản xuất chip mà không cần bất kỳ công nghệ nào của Mỹ là bất khả thi với Huawei. Và nếu không xuất hiện một giải pháp ngoại giao nào đột phá, cơ hội tiếp tục tồn tại của Huawei sẽ rất mong manh.
Trớ trêu thay, "ánh sáng cuối con đường" của Huawei có thể chính là áp lực từ các nhà cung cấp của chip Mỹ. Theo Wall Street Journal, Qualcomm đang vận động hành lang để chính phủ Mỹ chấp thuận nối lại bán hàng cho Huawei. Qualcomm từng coi Huawei là khách hàng lớn trước khi công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất chip của riêng mình cho điện thoại thông minh.
"Các công ty công nghệ Mỹ không vui vẻ gì với lệnh trừng phạt Huawei vì họ đang mất đi một khách hàng rất lớn. Vì vậy, tôi nghĩ họ sẽ tiếp tục vận động hành lang để chống lại các lệnh trừng phạt", Mike Feibus, nhà phân tích nghiên cứu tại Scottsdale, cho biết.
Việc các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán sản phẩm cho Huawei hay không còn phụ thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Chính quyền Biden có thể lựa chọn một sự thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận, tập trung nhiều hơn vào vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, thay vì thương mại như ông Trump.
"Tôi không nghĩ ông Biden sẽ lật ngược mọi thứ ông Trump tạo ra, nhưng một chính quyền mới rất có thể cấp giấy phép cho các công ty Mỹ bán sản phẩm cho Huawei", nhà phân tích Randall bày tỏ quan điểm.
Đăng Thiên (theo SCMP)