Theo Nikkei Asian Review, Huawei đang cố gắng tích trữ càng nhiều chip càng tốt khi Mỹ siết chặt lệnh cấm. Công ty tích cực mua các thành phần quan trọng trên smartphone, như chip 5G, Wi-Fi và module điều khiển màn hình từ các đối tác MediaTek, Novatek, RichWave và Realtek. Hãng còn gom chip nhớ từ Samsung và SK Hynix, mua ống kính cho camera smartphone từ Largan Precision và Sunny Optical Technology. Tất cả đang được đẩy nhanh tiến độ trước 0h ngày 14/9 - thời điểm lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.
"Không có gì lạ khi Huawei gọi các đối tác cung cấp linh kiện của mình lúc 4h sáng hoặc nửa đêm", một nguồn tin giấu tên tiết lộ. "Huawei đang rất hoang mang, họ liên tục thay đổi kế hoạch".
Theo giới phân tích, nếu Huawei hết linh kiện sản xuất, lượng smartphone của hãng có thể giảm 75% trong năm tới. Một nguồn tin tiết lộ, nguồn cung chip 5G của Huawei còn rất ít, dự kiến sẽ hết vào quý I/2021.
Nhà phân tích Jeff Pu của GF Securities dự đoán Huawei vẫn sẽ xuất xưởng khoảng 195 triệu smartphone trong năm nay nhờ lượng linh kiện dự trữ. Tuy nhiên, nếu Mỹ ngày càng siết chặt lệnh cấm như hiện tại, doanh số điện thoại của công ty Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 50 triệu máy trong 2021. Không những thế, cục diện thị trường smartphone Trung Quốc cũng sẽ thay đổi trong năm tới.
Cho đến nay, Huawei vẫn được thị trường nội địa Trung Quốc ủng hộ. Tuy nhiên, việc không thể sản xuất smartphone có thể khiến doanh số của hãng mất 30% vào năm sau, chủ yếu vào tay các đối thủ nội địa như Oppo, Vivo và Xiaomi. Còn trên toàn cầu, Samsung và Apple có thể sẽ là những công ty hưởng lợi lớn nhất khi doanh số smartphone Huawei sụt giảm.
Trong tương lai, nhà sản xuất chip Trung Quốc Unisoc Technologies có thể giành được thị phần của HiSilicon - công ty con chuyên về sản xuất bán dẫn của Huawei. Trước đó, Richard Yu, Giám đốc mảng Kinh doanh Tiêu dùng của Huawei, thừa nhận HiSilicon không thể tiếp tục sản xuất chip di động do áp lực lệnh cấm từ Mỹ.
Huawei cần nghĩ đến một kế hoạch dài hạn để tồn tại mà không có công nghệ của Mỹ. Trước mắt, có thể hãng cần phải cơ cấu lại tổ chức, thu nhỏ mô hình hoạt động để duy trì lợi nhuận.
Bảo Lâm (theo Phonearena)