Theo ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, các lệnh trừng phạt áp đặt lên công ty trong hai năm qua đã "làm tổn thương ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu" vì phá vỡ mối quan hệ tin cậy trong ngành này.
"Lệnh cấm của Mỹ là lý do chính khiến các công ty lớn trên thế giới hoảng loạn tích trữ. Một số chưa bao giờ tích trữ bất cứ thứ gì, nhưng do lo ngại những tác động về sau của lệnh trừng phạt, họ đã phải dự trữ hàng cho 3 hoặc 6 tháng", ông Eric Xu nói tại Hội nghị dành các nhà phân tích của Huawei ở Thâm Quyến ngày 12/4.
Ông Xu cho biết, trước đó, chuỗi cung ứng bán dẫn vẫn luôn hoạt động "dựa trên giả định rằng nó đủ linh hoạt để không cần dự trữ". Tuy nhiên, hiện một số công ty trong các ngành công nghiệp khác, như lĩnh vực ôtô, buộc phải đóng cửa nhà máy trong thời gian ngắn do không đủ chip. Bản thân Huawei cũng phải nỗ lực dự trữ chip để đảm bảo hoạt động kinh doanh của mình trong mảng thiết bị viễn thông và điện tử tiêu dùng có thể diễn ra như bình thường.
"Việc hoảng loạn tích trữ thời gian qua làm tăng sự thiếu hụt nguồn cung của ngành bán dẫn toàn cầu, làm gián đoạn toàn bộ hệ thống. Rõ ràng các lệnh trừng phạt Mỹ đối với Huawei và một số công ty khác đang biến thành sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và toàn ngành", đại diện Huawei nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, từ cuối 2020, ngành bán dẫn đối mặt với tình trạng thiếu chip chưa từng có tiền lệ trên toàn cầu. Giới sản xuất ôtô bị ảnh hưởng đầu tiên trong chuỗi khủng hoảng. Trước Covid-19, ngành công nghiệp này đánh giá thấp nhu cầu mua sắm phương tiện, nên không chuẩn bị đủ lượng chip cần thiết khi đại dịch xảy ra.
Còn tại Trung Quốc, các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi và Oppo đã mạnh tay mua sắm linh kiện sau khi Huawei vấp phải lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì sử dụng linh kiện chất bán dẫn tương tự nhau, các hãng đều phải tranh giành khi nguồn cung đang cạn kiệt.
Bên cạnh đó, nhu cầu về máy tính cá nhân và smartphone tăng nhanh từ năm ngoái khi người dùng chuyển sang học và làm việc từ xa. Hai hãng chip lớn là TSMC và Samsung không đủ khả năng đáp ứng mọi nhu cầu, gây nên tình trạng thắt cổ chai dự kiến kéo dài tới sang năm. Việc sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi quá trình khắc mạch phức tạp trên tấm silicon. Quá trình này thường mất khoảng 2-3 tháng từ khi bắt đầu sản xuất đến khi giao hàng, nên không thể đáp ứng nhanh các đơn đặt hàng.
Châu An