Báo cáo kết quả kinh doanh trong quý III vừa qua cho thấy, TSMC có doanh thu khoảng 12,4 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ba tháng 7, 8, 9, lợi nhuận của công ty đạt 4,78 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2019. TSMC cũng dự báo sẽ đạt doanh thu 12,4 - 12,7 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm 2020 dù họ đã phải ngừng làm ăn với đối tác lớn thứ hai của mình - Huawei.
Đại diện đơn vị gia công chip lớn nhất thế giới này cho biết TSMC đã ngừng nhận các đơn hàng mới của Huawei từ giữa tháng 5, do lệnh cấm từ Mỹ. Đơn hàng cuối cùng đã được giao trước ngày 15/9. Công ty cũng từ chối bình luận về việc có xin giấy phép từ Mỹ để làm ăn tiếp với Huawei hay không.
Theo Nikkei, doanh thu của TSMC vẫn tăng mạnh vì họ có tệp khách hàng tương đối lớn. Hầu hết công ty chip hàng đầu thế giới, như Nvidia, Broadcom, AMD, Qualcomm, Google, Mediatek, NXP và STMicroelectronics, đều đang phụ thuộc vào TSMC để sản xuất những con chip tiên tiến nhất của mình. Thậm chí, Intel, nhà sản xuất vi xử lý lớn hàng đầu thế giới suốt nhiều năm nay, cũng đang cân nhắc chọn TSMC hoặc Samsung làm đối tác sản xuất trong thời gian tới.
Khả năng cạnh tranh lớn nhất của TSMC hiện nay là có thể sản xuất chip trên tiến trình 5 nm. Hai dòng chip di động 5nm đầu tiên thế giới hiện nay - Kirin 1020 và Apple A14 Bionic - đều do TSMC đảm nhiệm. Chip A14 Bionic của Apple sắp tới sẽ được sử dụng với số lượng lớn khi loạt iPhone 12 bán ra thị trường.
Một trong các thách thức mà đơn vị gia công chip này đang phải đối mặt là hàng tồn kho. C.C Wei, Giám đốc điều hành của TSMC cho biết công ty đang có lượng hàng tồn kho nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo Wei, đây là kết quả của việc các đối tác lo ngại nguồn cung ứng bị gián đoạn do đại dịch, nên đã đặt hàng trước nhiều hơn bình thường.
Đại diện TSMC cũng cho biết công ty sẽ tiếp tục duy trì hoạt động chính tại Đài Loan - nơi có trung tâm R&D và các nhà máy sản xuất chính. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại Mỹ cũng vẫn được tiếp tục.
Quý Văn