Theo Nikkei Asia, sự thiếu hụt bởi nhu cầu chip tăng cao trong đại dịch hiện trở nên trầm trọng hơn khi một nhà máy Samsung ở Texas đóng cửa sau cơn bão mùa đông. Nhà máy chip này, chịu trách nhiệm cho 5% nguồn cung toàn cầu, đã ngừng hoạt động từ ngày 16/2, gây ảnh hưởng rộng tới chuỗi cung ứng.
"Đang có sự mất cân bằng nghiêm trọng về nguồn cung và cầu chip trong lĩnh vực CNTT trên toàn cầu", Koh Dong-Jin, đồng CEO giám sát bộ phận di động của Samsung, cho biết tại cuộc họp cổ đông ngày 17/3.
Nhà máy Samsung Texas sản xuất chip viễn thông cho tập đoàn bán dẫn khổng lồ Qualcomm, đồng thời sản xuất chip cho tấm nền OLED và cảm biến hình ảnh. Cuộc khủng hoảng nguồn cung đối với Qualcomm sẽ tác động đến một loạt nhà sản xuất điện thoại thông minh sử dụng chip của hãng. Apple, đang đặt hàng tấm nền OLED từ Samsung, cũng có thể đối mặt với sự gián đoạn trong sản xuất iPhone.
Ông Koh cũng cho biết công ty cũng đang cân nhắc không ra mắt Galaxy Note thế hệ mới - một trong những dòng smartphone bán chạy nhất của hãng - năm nay, nhưng giải thích điều này là để hợp lý hóa các dòng sản phẩm của hãng.
"Nếu Samsung công khai nói về kế hoạch sản phẩm trong tương lai, có nghĩa là khủng hoảng silicon đang rất nghiêm trọng", Avi Greengart, nhà phân tích và nhà sáng lập công ty tư vấn Techsponential, nói trên SCMP.
Theo hãng nghiên cứu TrendForce, việc nhà máy Samsung ở Texas ngừng hoạt động có thể khiến sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu giảm 5% trong quý II. Nếu tính riêng smartphone 5G, sản lượng toàn cầu dự kiến giảm 30%. Samsung đang nỗ lực khôi phục hoạt động tại nhà máy nhưng chưa thể đưa ra lộ trình cụ thể.
Austin quy tụ nhiều nhà máy sản xuất bán dẫn quan trọng. Sự cố mất điện vì bão tuyết tại Texas khiến nhà máy phải ngừng hoạt động như NXP Semiconductors NV (Hà Lan) hay Infineon Technologies (Đức), chuyên sản xuất chip cho ngành công nghiệp ôtô. Tesla đã dừng sản xuất tại nhà máy ở California hồi cuối tháng 2 do tình trạng thiếu hụt linh kiện, trong khi Honda Motor cũng ngừng hoạt động tại 5 nhà máy ở Mỹ và Canada trong khoảng một tuần, bắt đầu từ 22/3, một phần do nguồn cung chip bị gián đoạn.
Hiện trên thế giới không có nhiều nhà sản xuất chip theo hợp đồng. Chỉ riêng Samsung và TSMC đã chiếm tới 72% sản lượng chip theo hợp đồng trong quý IV/2020.
Tại Trung Quốc, các nhà sản xuất điện thoại thông minh như Xiaomi và Oppo đã mạnh tay mua sắm linh kiện sau khi Huawei vấp phải lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì sử dụng linh kiện chất bán dẫn tương tự nhau, các hãng đều phải tranh giành khi nguồn cung đang cạn kiệt.
Tương tự, nhu cầu về máy tính cá nhân tăng nhanh từ năm ngoái khi người dùng chuyển sang học và làm việc từ xa.
"Nguồn cung đang không thể theo kịp nhu cầu", Jason Chen, Chủ tịch kiêm CEO Acer, cho biết vào ngày 3/3. "Đội ngũ nhân viên của chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo các bộ phận trong thiết bị. Điều này chưa từng xảy ra trong ngành máy tính cá nhân".
Acer chỉ có thể đáp ứng 30% đơn đặt hàng của khách hàng, cho thấy mức độ khắc nghiệt của môi trường kinh doanh. Asus, một nhà sản xuất PC khác của Đài Loan, cũng khẳng định nguồn cung bán dẫn máy tính và tấm nền LCD đang thiếu 30% so với nhu cầu. Công ty dự đoán các lô hàng sẽ giảm mạnh trong quý đầu tiên.
Việc sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi quá trình khắc mạch phức tạp trên tấm silicon. Quá trình này thường mất khoảng 2-3 tháng từ khi bắt đầu sản xuất đến khi giao hàng, nên không thể đáp ứng nhanh các đơn đặt hàng.
Giới phân tích dự đoán tình trạng thiếu chip sẽ diễn ra trong thời gian dài. Vào tháng 2, General Motors dự kiến lợi nhuận của hãng giảm tới 2 tỷ USD trong năm nay do cắt giảm sản lượng.
Châu An (theo Nikkei Asia)