"Doanh thu của HiSilicon giảm 81%, từ 8,2 tỷ USD của năm 2020 xuống còn 1,5 tỷ USD năm 2021", Andrew Norwood, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Gartner, cho biết trong báo cáo ngày 16/4. "Đây là kết quả của các lệnh cấm áp dụng lên công ty mẹ Huawei".
Cũng theo Norwood, kết quả mới nhất đánh dấu "sự thay đổi đáng kể" trong bảng xếp hạng các nhà cung cấp chất bán dẫn toàn cầu kể từ sau tháng 5/2019 khi Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách thực thể. Trong năm 2020, HiSilicon vẫn nằm trong nhóm các công ty chip hàng đầu.
Việc HiSilicon văng khỏi top 25 cũng tác động không nhỏ tới ngành bán dẫn Trung Quốc. Theo Gartner, thị phần bán dẫn tổng thể của nước này trên toàn cầu giảm từ 6,7% vào năm 2020 xuống còn 6,5% năm ngoái.
Kết quả tài chính công bố cuối tháng 3 cho thấy, doanh thu 2021 của Huawei đã giảm 29% xuống 636,8 tỷ nhân dân tệ (99,8 tỷ USD), nhưng lợi nhuận tăng 76% lên 113,7 tỷ nhân dân tệ (17,8 tỷ USD). Doanh thu của hãng chủ yếu là từ các mảng hoạt động cốt lõi như 5G, năng lượng tái tạo...
HiSilicon chịu trách nhiệm thiết kế các dòng chip Kirin, Gigahome, Kunpeng, Balong và Ascend được Huawei sử dụng trên các sản phẩm điện tử của mình. Tương tự các công ty khác như Apple, hãng chỉ làm nhiệm vụ thiết kế, còn khâu sản xuất sẽ do các đơn vị khác, chủ yếu là TSMC, thực hiện. Tuy nhiên, do các lệnh trừng phạt của Mỹ, HiSilicon không thể hợp tác với các nhà máy đúc chip lớn được nữa vì tất cả đều dựa vào công nghệ Mỹ ở mức độ nhất định.
Huawei hiện chưa sa thải bất cứ nhân viên HiSilicon nào sau gần ba năm bị Mỹ cấm vận, nhưng những nhân sự này hiện nhận được sự quan tâm lớn từ các công ty thiết kế vi mạch khác. Theo SCMP, một số được cho là đã xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại Zeku, đơn vị thiết kế chip của Oppo.
Về thị phần mảng chip năm 2021, số liệu của Gartner cho thấy Samsung đã đòi lại vị trí dẫn đầu từ Intel. Năm qua, doanh thu của công ty Hàn Quốc đạt 73,2 tỷ USD, chiếm 12,3% thị phần toàn cầu, còn hãng chip Mỹ đứng vị trí thứ hai với 72,5 tỷ USD, chiếm 12,2% thị phần.
Như Phúc (theo SCMP)