Huawei đã bắt đầu tự chủ chuỗi cung ứng từ tháng 4/2019, khi thành lập một công ty con có tên Habo Investments. Một hồ sơ công khai gần đây cho thấy, Habo Investments đã có 17 vụ mua lại cổ phần của các công ty công nghệ Trung Quốc kể từ tháng 8 năm ngoái.
Khác với các công ty chuyên thâu tóm doanh nghiệp nhỏ hơn, Habo Investments chọn cách mua cổ phần không quá 10% và hỗ trợ về mặt tài chính. Công ty cũng sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để hỗ trợ các startup Trung Quốc có tiềm năng trở thành đối tác của Huawei trong tương lai.
"Vì Huawei chỉ là một công ty, chúng tôi muốn sử dụng hình thức đầu tư và công nghệ sẵn có để giúp các đối tác trong chuỗi cung ứng trở nên tốt hơn", Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết.
Hầu hết các thương vụ mua cổ phần của Habo Investment đều liên quan đến chip. Số ít trong đó đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của Huawei.
Chẳng hạn, Vertilite được thành lập vào năm 2015 và nhận được khoản đầu tư từ Huawei đầu năm nay. Đây là công ty chuyên sản xuất cảm biến VCSEL hỗ trợ công nghệ nhận diện trong máy ảnh. Một số sản phẩm của hãng đã được sử dụng trong thiết bị cầm tay của Huawei.
Tuy nhiên, đa phần các mảng kinh doanh mà Huawei hậu thuẫn vẫn ở giai đoạn đầu trong quá trình phát triển. Ví dụ, Shoulder Electronics, hãng chuyên tạo ra các bộ lọc sóng vô tuyến RF, chưa có sản phẩm nào tương thích với smartphone 5G của Huawei. 3Peak, hãng sản xuất bộ chuyển đổi tương tự sang kỹ thuật số (ADC) được sử dụng trong các trạm gốc của mạng không dây, cũng chưa thể cung cấp linh kiện cho công ty viễn thông Trung Quốc.
Ngoài ra, danh mục đầu tư của Habo cũng bao gồm một số doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực viễn thông, chip, nguyên liệu thô và các công nghệ pin cho ôtô tự lái. "Hầu hết công ty được Huawei đầu tư đều là những doanh nghiệp nhỏ. Họ giỏi trong lĩnh vực của mình và không nhất thiết phải có mục tiêu cạnh tranh trên toàn cầu", Ivan Platonov, nhà phân tích của công ty nghiên cứu EqualOcean, nhận xét.
Các khoản đầu tư gần đây của Huawei đánh dấu sự thay đổi về tốc độ và chiến lược: tăng tần suất ảnh hưởng, tập trung vào doanh nghiệp trong nước thay vì các công ty nước ngoài. Động thái này sẽ giúp hãng tự chủ hơn về công nghệ trong tương lai, cũng như hạn chế việc bị trở thành "con tin" cho các cuộc đấu đá chính trị như thời gian qua.
Tuy vậy, theo một cựu nhân viên Huawei, công ty thích tự nghiên cứu và phát triển, cũng như có xu hướng thích hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ hoặc châu Âu. Việc đầu tư hoặc mua lại chỉ được thực hiện nếu là phương án cuối cùng.
Bảo Lâm (theo Reuters)