Theo Nikkei, động thái của Sony và Kioxia diễn ra sau khi một số công ty công nghệ khác, như Intel, xin được giấy phép tiếp tục "làm ăn" với Huawei.
Huawei là khách hàng lâu năm của Sony - hãng sản xuất cảm biến máy ảnh smartphone hàng đầu thế giới, và Kioxia Holdings Corp. - nhà sản xuất chip nhớ flash số hai toàn cầu. Nguồn tin nhấn mạnh, nếu không có giấy phép của Mỹ, Sony và Kioxia sẽ phải đối mặt với rủi ro về doanh thu trong những quý tới.
Cũng theo nguồn tin, Kioxia cảnh báo các biện pháp kiềm chế của Mỹ với Huawei có thể gây ra tình trạng dư nguồn cung chip nhớ và nhiều khả năng phải hạ giá bán trong tương lai. Gần đây, công ty cũng đã hoãn một số kế hoạch mới do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Phát ngôn viên Sony cho biết công ty tuân thủ các quy định hiện hành nhưng từ chối đề cập đối tác cụ thể. Đại diện Kioxia từ chối bình luận.
Ngày 23/9, phát ngôn viên của Intel tiết lộ hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới đã được chính phủ Mỹ cấp giấy phép giao dịch với Huawei, nhờ đó có thể bán cho công ty Trung Quốc một số sản phẩm nhất định, nhưng không đề cập chi tiết. Trước đó một tuần, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn của Trung Quốc (SMIC) - công ty vốn sử dụng công nghệ Mỹ để sản xuất chip - cũng đã lập hồ sơ yêu cầu chính phủ Mỹ cấp giấy phép để tiếp tục cung cấp sản phẩm cho Huawei. Hãng sản xuất chip hàng đầu Hàn Quốc, SK Hynix, cũng nộp đơn xin nhưng bị Washington từ chối.
Tháng 5/2019, Huawei bị liệt vào "Danh sách thực thể" của Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ muốn mua hay bán sản phẩm và công nghệ cho Huawei, buộc phải có sự cho phép đặc biệt từ Chính phủ Mỹ. Đầu tháng 9 vừa rồi, Washington lại siết chặt hạn chế, khiến việc sản xuất và kinh doanh của công ty Trung Quốc ngày một khó khăn.
Bảo Lâm (theo Reuters)