Kẹt tiền làm ăn, tôi rao bán một lô đất với giá mong muốn là 1,6 tỷ đồng.
Tấm biển bán đất cắm xuống được vài ngày thì "mất xác". Tôi phải làm biển cắm lại và nhờ hàng xóm trông coi giúp. Tôi cũng đăng tin vào các trang web để rao bán, cũng nhận được điện thoại hỏi mua nhưng chưa ai chốt được.
Khoảng một tháng sau, con tôi lướt Facebook thấy một tài khoản đăng vào hội nhóm mua bán bất động sản đúng lô đất tôi chính chủ đang rao bán. Tôi tá hỏa vì lô đất tôi rao có 1,6 tỷ đồng nhưng người này rao tận hai tỷ đồng.
Bài viết với thông tin kèm theo xem ra đầy đặn và còn chính chủ hơn cả bài rao của tôi. Một số người bình luận còn hẹn đi xem đất.
>> Xem 'nhà Sài Gòn một tỷ đồng' ở Long An
Tôi biết mình đang bị đám "cò" phá đám. Họ sẽ đăng ảnh nhà, đất đang được rao bán với giá cao hơn chính chủ đưa ra để "ăn dày". Như vậy "cò" vừa ăn hoa hồng vừa kê giá để hưởng chênh lệch
Trao đổi với một số bạn bè, tôi được biết giá nhà hoặc đất đều được "cò" kê giá lên tuỳ theo tình hình thị trường. Khi có người chấp nhận mua họ sẽ báo lại với chủ nhà họ bán với giá đó, nếu chấp nhận cho chênh lệch thì bán, còn không thì nhà đất đó sẽ nằm hoài vì họ có nhiều chiêu giở trò, cản trở bên mua bán gặp nhau.
Việc đẩy giá lên cao như vậy khiến chủ nhà đất rất khó bán và sốt ruột, nhất là những người đang cần tiền. Sau gần ba tháng, một người bà con bên vợ ngỏ ý mua nhưng tôi quyết định không bán nữa vì cơ hội làm ăn cũng đã qua rồi.
Bây giờ bán nhà đất, chính chủ tự đăng bảng, rao thông tin trên mạng mà thấy mãi vẫn chưa chốt được với ai thì cần dành thời gian dò la các hội nhóm Facebook, các trang web bất động sản để xem lô đất, cái nhà của mình có trở thành "chính chủ" của ai đó, đang được rao bán với mức giá nhiều hơn của chủ thật.
Sơn Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.