Luật sư Khanh Huỳnh, sống ở Mỹ chia sẻ bài viết về sự khác nhau giữa môi giới nhà đất ở Mỹ và Việt Nam:
Câu chuyện nhờ cò rao bán nhà và ngồi đó ngẩn ngơ dường như là "nỗi khổ" của rất nhiều người muốn bán đất bán nhà. Nhiều người mắng mỏ môi giới ăn dày, tham lam. Thật ra cách làm ăn kiểu này chỉ gây hại cho tất cả các bên có liên quan, kể cả môi giới.
Tôi đã hai lần mua nhà, đều là ở Mỹ và tất nhiên là có qua môi giới. Ở Mỹ, mua nhà qua môi giới gần như là bắt buộc vì thủ tục nhà đất dài dòng. Để biết chính xác nhà nào đang bán thì nhờ môi giới mới chắc chắn. Tuy vậy, hai lần đi mua nhà tôi đều nhờ cậy một nữ môi giới. Tôi hiểu được cách làm ăn của môi giới nhà đất Mỹ sau lần đầu và người môi giới của tôi quả là siêu đẳng.
Tìm ra nhà phù hợp yêu cầu của khách mua là chuyện nhỏ, lo thủ tục giấy tờ là chuyện mà mọi môi giới đều làm được. Các môi giới chỉ ăn thua nhau là làm sao để kiếm được tiền, tức là làm sao để người bán chịu bán, người mua chịu mua.
>> Đi xem đất Cần Giuộc nhưng bị 'cò' chở xuống Cần Đước
Chính vì thế nên ngay khi tôi tỏ vẻ thích căn nhà đang xem thì bà môi giới đã biến mất tiêu. Đi tìm mãi tôi mới thấy bà ngồi trong xe hơi, đang nói chuyện điện thoại đầy say mê. Sau đó bà cười hớn hở và khoe với tôi rằng căn nhà này ít bữa trước đã có người đặt cọc mua nhưng giấy tờ mượn nợ ngân hàng trục trặc nên không bán được. Bà thì thầm rằng đã moi được tin từ cò bán hôm trước giá bán bao nhiêu, giờ mình có thể trả ít hơn giá đó vài ngàn là thế nào cũng mua được.
Tôi thấy giá đó cũng tốt nên răm rắp theo lời bà, đặt cọc rồi tiến hành các bước thủ tục để hoàn tất giấy tờ. Bà cò nhận được hoa hồng, cười vui vẻ rồi giã từ tôi.
Lần sau mua nhà tôi lại gọi bà và một tiết mục tương tự cũng diễn ra khi tôi có vẻ muốn mua. Các khác là lần này ngôi nhà mới được đem rao bán hôm trước và lúc tới xem môi giới bán cũng đang đứng đó. Lúc đó thì bà lại thì thầm với môi giới bán, có vẻ rất hớn hở. Khi ra về, bà hỏi tôi định trả giá bao nhiêu. Khi nghe tôi phát biểu ý kiến, bà hơi nhăn và nói rằng hơi thấp nhưng bà vẫn báo giá cho người bán.
Giá tôi trả hơi thấp và tôi chỉ về nhì trong cuộc đua đó. Tuy vậy, một tuần sau, bà môi giới cuống quýt gọi cho tôi và nói rằng người nhận mua đã cóng chân nên không chịu xuống tay đặt cọc (good faith deposit) khoảng 5 nghìn USD. Bà bảo phải trả giá ngay trong đêm nay và khuyên tôi nên trả thêm lên chừng 4 nghìn USD là được.
Tôi thắc mắc là vì sao không giữ giá cũ, mình là người về nhì cơ mà, giờ trả thêm thì lên cao nhất còn gì. Bà cứ nói với tôi là giá đó tốt lắm rồi, mãi tới 10 giờ tối tôi mới chốt giá như bà nói.
Hôm sau quả nhiên bên bán cũng chịu giá đó. Mọi việc sau đó chỉ theo thủ tục mà thôi.
Thật ra thì trong cả hai vụ mua bán đó, bà môi giới mua của tôi đã "thông đồng" với môi giới bán. Trước khi mua, môi giới bán sẽ tìm hiểu người mua xem số tiền có thể chi là bao nhiêu, ví dụ khoảng 300.000 tới 320.000 USD. Sau đó, môi giới mua sẽ trao đổi với môi giới bán. Môi giới bán cũng đã hỏi trước người bán có thể chấp nhận giá cỡ bao nhiêu. Như căn nhà đó mà người bán mong được chừng 312.000 tới 330.000 USD thì hai môi giới sẽ thông đồng với nhau là giá sẽ khoảng 315.000 USD. Sau đó cả hai sẽ cùng dụ dỗ thân chủ của mình rằng giá đó tốt.
Vì cả hai đều rõ bên kia muốn gì nên việc chốt giá rất đơn giản. Nếu mong muốn của người mua và bán quá xa thì hai môi giới sẽ bỏ qua. Môi giới mua chỉ nói rằng giá người mua đưa ra đừng hòng mua được, đừng có mất công.
>> 'Cò' dẫn đi xem đất nền, về nhà như người mất hồn
Đối với tất cả các môi giới, cần phải mua bán thì mới có tiền. Nếu không có giao dịch thì không có xu nào. Cho nên họ luôn liên kết với nhau để đưa ra những con số vừa phải cho hai bên mua bán vừa lòng.
Đó là điểm khác biệt lớn nhất trong kế hoạch làm ăn của môi giới Việt và Mỹ. Đáng tiếc là nhiều cò đất ở Việt Nam không nhận ra điều này. Họ cho rằng cần bán giá cao để ăn thêm tiền chênh lệch, tiền hoa hồng. Nhưng ngồi trên miếng đất đó hoài thì cũng chả có đồng nào để ăn.
Người Đức có nói rằng, bán cho một người để lời được 10 đồng trong vòng một tháng thì tệ hơn bán cho 10 người để lời 1 đồng mỗi người nhưng làm được trong một tuần. Nói cách khác, để buôn bán có lời thì nên giảm lợi nhuận trong mỗi vụ để nâng cao số thương vụ. Chỉ cần tính toán để có đủ khách hàng thì sẽ lợi hơn rất nhiều so với ngồi đó mong bán giá cao.
Vì vậy, cò đất nào còn ngồi đó thổi giá để mong ăn dày nên nghĩ tới điều này. Cách suy nghĩ xưa cũ đó không có tác dụng gì ngoài chuyện giảm bớt chén cơm của mình mà còn làm ách tắc công việc, khi người mua kẻ bán không gặp được nhau chỉ vì cái bức tường cao do chính cò dựng nên.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.