Hơn hai thế kỷ trước, người dân Haiti đã đứng lên chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, nhằm chấm dứt một trong những chế độ thuộc địa nô lệ tàn bạo nhất thế giới. Cuộc nổi dậy vào cuối thế kỷ 18 cuối cùng dẫn đến thất bại của quân đội Napoleon và Haiti tuyên bố độc lập năm 1804.
Tuy nhiên, việc lật đổ thực dân Pháp không giúp chấm dứt nỗi đau khổ của người Haiti. Chế độ độc tài kéo dài ba thập kỷ của Francois Duvalier và con trai Jean-Claude Duvalier, từ năm 1957 đến 1986, khiến đông đảo người Haiti rời bỏ đất nước, di cư đến Mỹ vào thập niên 1980.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Jovenel Moise từ tháng 2/2017, đất nước vẫn chìm trong bất ổn, nạn tham nhũng và bạo lực băng đảng. Haiti bị Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp hạng 170/180 về mức độ tham nhũng hồi năm 2020. Phần lớn dân số kiếm được chưa đến 2,41 USD mỗi ngày. Họ càng thêm tức giận khi Moise không chịu từ bỏ quyền lực khi nhiệm kỳ của ông được cho là đã kết thúc.
Do tình trạng đất nước thường xuyên bất ổn, Haiti có cộng đồng người hải ngoại lớn. Ngoài Mỹ, họ còn tìm kiếm cuộc sống mới ở Canada, Pháp hay nước láng giềng Cộng hòa Dominica. Sau trận động đất thảm khốc ở Haiti năm 2010, Mỹ đã cấp cơ chế bảo vệ tạm thời cho hơn 55.000 người dân nước này, theo Viện Chính sách Di cư.
Dữ liệu năm 2018 từ Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy có khoảng 1,2 triệu người Haiti hoặc gốc Haiti đang sống ở Mỹ. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn, bởi số lượng lớn người nhập cư không có giấy tờ.
Sau những đau khổ mà người dân phải chịu đựng, Dahoud Andre, một người Haiti làm nghề dẫn chương trình phát thanh tại thành phố New York, cho biết anh vô cùng vui mừng khi nghe tin Tổng thống Moise bị ám sát vào rạng sáng 7/7 ở ngoại ô thủ đô Port-au-Prince.
"Sẽ có những màn ăn mừng trên đường phố New York", Andre cho biết, nhấn mạnh rằng Tổng thống Moise đắc cử hồi năm 2016 chỉ với chưa đầy 600.000 phiếu bầu tại một đất nước 11 triệu dân.
"Chúng tôi tin rằng cái chết của Jovenel Moise là điều tốt đối với người Haiti. Ông ta là tội phạm. Đã có những vụ thảm sát, tham nhũng, tài trợ và trang bị vũ khí cho các băng đảng đường phố. Chỉ những kẻ giúp ông ta cướp bóc mới khóc thương", anh nêu ý kiến.
Anthonine Pierre, một nhà tổ chức cộng đồng tại quận Brooklyn của New York, cũng cho rằng sự việc sẽ là bước ngoặt đối với Haiti. "Tôi nghĩ mọi người dân Haiti còn sống đều đã trải qua rất nhiều bất ổn. Đây là một khoảnh khắc khác biệt, khoảnh khắc của thế hệ chúng tôi", Pierre nói.
Frantz Andre, nhà vận động nhân quyền cho người Haiti đang sống tại thành phố Montreal, Canada, hồi tháng 3 từng tổ chức một cuộc biểu tình tập hợp hàng chục người phản đối cái mà họ gọi là sự đàn áp chính trị của Moise. Nhưng bất chấp tình hình đất nước, Andre cho biết có những luồng ý kiến phân cực sâu sắc về Tổng thống Haiti, dẫn đến "những cảm xúc lẫn lộn".
"Tôi không nghĩ việc reo mừng chiến thắng trước vụ ám sát ông ấy là khôn ngoan, bởi chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao. Tình hình thậm chí có thể bấp bênh hơn", nhà vận động đánh giá.
Theo Andre, có những người coi Moise là "mối đe dọa với nền dân chủ". Một bộ phận khác biểu tình chống lại Tổng thống vì không có gì để ăn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ủng hộ Moise nhờ nỗ lực cải cách của ông, như việc thúc đẩy trao quyền bầu cử cho người Haiti ở nước ngoài hay vận động thay đổi hiến pháp.
Garry Pierre-Pierre, người xuất bản tờ The Haitian Times tại New York, cũng cho rằng vụ ám sát Moise là hành vi đi quá xa, ngay cả đối với tiêu chuẩn ở Haiti. "Bất chấp sự lung lay của nền dân chủ, ám sát Tổng thống không phải điều chúng tôi mong muốn", Pierre-Pierre nêu quan điểm.
Ở phía nam bang Florida, đông đảo người Haiti đã kéo đến sinh sống trong nhiều thập kỷ qua, hình thành nên một khu gọi là "Tiểu Haiti" tại thành phố Miami. Những năm gần đây, tầng lớp trung lưu khá giả dần nổi lên và giành được ảnh hưởng chính trị tại đây.
Leonie Hermantin, một lãnh đạo cộng đồng Haiti tại Miami, cho biết Tổng thống Moise đã tiến hành nhiều dự án ở phía tây bắc Haiti, quê hương của ông, và nhận được sự ủng hộ tại đó, đặc biệt từ tầng lớp lao động. Ngay tại khu vực Nam Florida, Moise cũng được nhiều người ủng hộ.
"Đối với một số người, Moise là lãnh đạo tham nhũng, nhưng những người khác lại coi ông ấy là nhà cải cách. Tổng thống đang cố gắng thay đổi cơ cấu quyền lực, đặc biệt là vấn đề tiền bạc và quyền kiểm soát các hợp đồng cấp điện", Hermantin cho hay.
Các tài phiệt đã được cho là đã nhận hàng tỷ USD để cung cấp điện cho Haiti, một quốc gia vẫn chìm trong bóng tối. Nhiều người nhận định rằng Moise đã sử dụng quyền lực của mình để tìm cách chấm dứt thế độc quyền cung cấp điện của giới thượng lưu quyền lực, khiến ông có nhiều kẻ thù.
Tại Canada vài tháng gần đây, nhiều thành viên trong cộng đồng người Haiti bày tỏ lo ngại về tình hình ngày càng tồi tệ ở quê hương và sự lãnh đạo của Moise. Tuy nhiên, Frantz Benjamin, nghị sĩ gốc Haiti tại Quebec, đánh giá vụ ám sát Tổng thống càng phản ánh sự nguy hiểm ở đất nước, đồng thời có khả năng làm suy yếu nền kinh tế - chính trị, ngăn cản đầu tư nước ngoài vào một quốc gia phải phụ thuộc vào viện trợ quốc tế.
"Dù có ủng hộ Moise hay không, chẳng có ai là người chiến thắng sau vụ ám sát. Không có niềm vui nào cả. Nếu một tổng thống bị giết, bất cứ ai cũng có thể chịu số phận tương tự", Benjamin nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)