Trong số 25.000 người đến tiêm, khoảng 60% trẻ em 4-17 tuổi. Còn lại là người lớn, phụ nữ sắp mang thai, người cao tuổi, mắc bệnh nền. Nhiều người từng mắc sốt xuất huyết cũng tiêm phòng để tránh tái nhiễm. Phản ứng sau tiêm ở mức nhẹ như đau vết tiêm, nhức đầu, đau cơ... và không gặp phản ứng bất thường.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết như trên, thêm rằng các cơ sở VNVC tại TP HCM và miền Tây Nam Bộ có mũi tiêm nhiều nhất. Trung tâm cũng ghi nhận nhiều người đặt trước vaccine để tiêm theo lịch hẹn.
"Số lượng tiêm cao thể hiện vaccine đáp ứng nhu cầu phòng bệnh sốt xuất huyết", bác sĩ Chính đánh giá. Trước đây, cách phòng bệnh duy nhất là diệt muỗi, chống muỗi đốt. Tiêm vaccine, người dân có thể chủ động và tăng hiệu quả trong việc ngừa bệnh.
Bà Trần Thị Hạnh, 59 tuổi, quận Tân Bình, TP HCM có bệnh nền cao huyết áp, cho biết gia đình từng có người mắc sốt xuất huyết nên thấy rõ ảnh hưởng của căn bệnh này. Do đó bà cùng con gái đến VNC Hoàng Văn Thụ để tiêm vaccine, đồng thời đặt tiếp lịch để nhắc lại vào ba tháng sau.
Còn ông Quang Vinh, 40 tuổi, Vĩnh Long từng mắc sốt xuất huyết nặng, phải cấp cứu khi có tình trạng chảy máu cam, tiểu cầu giảm rất thấp. Vì vậy ở ngày đầu tiên VNVC triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết, anh cùng gia đình đến trung tâm để chủng ngừa.
Vaccine sốt xuất huyết do hãng dược phẩm Takeda, Nhật Bản sản xuất. Phác đồ tiêm hai mũi cách nhau ba tháng, cho người từ 4 tuổi trở lên. Mũi tiêm giúp phòng bốn chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, gồm Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Hiệu quả phòng bệnh hơn 80% và ngừa đến 90% nguy cơ nhập viện. Vaccine được kỳ vọng là vũ khí mới giúp phòng chống và kiểm soát sốt xuất huyết hiệu quả, trong bối cảnh dịch tễ bệnh thay đổi, muỗi truyền bệnh sinh sôi, tăng lây nhiễm cho người.
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Việt Nam, cao điểm vào tháng 7-11 hàng năm. Thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến giữa tháng 8, cả nước ghi nhận gần 53.000 ca sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ.
Sang tháng 9, nhiều địa phương ghi nhận ca sốt xuất huyết gia tăng. Tại Hà Nội, ngày 20-27/9 có thêm 279 ca mắc và 18 ổ dịch tại 8 quận, huyện. Ở TP HCM, ngày 16-22/9 có hơn 370 ca mắc. Điểm đặc biệt là năm nay lần đầu vaccine sốt xuất huyết được đưa vào tiêm chủng.
Bệnh xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. BS.CKII Nguyễn Lê Ngọc, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết sốt xuất huyết có ba giai đoạn gồm sốt, giai đoạn nguy hiểm và phục hồi. Giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện từ ngày 3 đến ngày 7. Lúc này, bệnh nhân có thể biến chứng sốc, chảy máu, suy tim, suy thận, suy đa tạng, viêm cơ tim, viêm não, xuất huyết não. Đối tượng nguy cơ cao trở nặng gồm trẻ béo phì, người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường... Với phụ nữ mang thai, sốt xuất huyết có thể gây suy thai, sinh non, thai chết lưu.
Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sĩ Ngọc lưu ý người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời khi sốt liên tục từ hai ngày trở lên. Bác sĩ sẽ thăm khám để phân loại mức độ bệnh và chỉ định điều trị phù hợp. Bệnh nhân điều trị ngoại trú cần tái khám hàng ngày. Người bệnh không tự ý dùng thuốc hạ sốt, truyền dịch vì có thể khiến bệnh trở nặng. Ví dụ sử dụng thuốc hạ sốt aspirin có thể gây xuất huyết tiêu hóa, truyền dịch gây phù phổi cấp, suy tim nặng. Chi phí điều trị một ca mắc sốt xuất huyết nặng có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.
Để tăng hiệu quả phòng bệnh, ngoài tiêm chủng, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân kết hợp các biện pháp phòng muỗi đốt như ngủ trong màn, sử dụng thuốc chống muỗi, phát quang bụi rậm. Gia đình nên vệ sinh nơi ở, loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách không để nước đọng, lật úp bình hoa, chậu đựng nước.
Xuân Ngọc