Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng vaccine chỉ định cho người từ 4 tuổi trở lên. Vaccine của hãng Takeda (Nhật Bản), giúp phòng ngừa 4 type virus Dengue thường gây bệnh sốt xuất huyết trên người, gồm: Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4.
Vaccine giúp phòng sốt xuất huyết, đồng thời ngăn tái nhiễm bệnh. Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấp phép vaccine này như: Indonesia, Brazil, Argentina, Thái Lan, Đan Mạch, Đức... Kết quả ghi nhận tại các quốc gia này là hiệu quả phòng bệnh đến hơn 80% và ngừa 90% nguy cơ nhập viện vì bệnh trở nặng.
Mũi ngừa sốt xuất huyết sẽ được triển khai đồng loạt tại toàn bộ hơn 200 trung tâm của VNVC trên toàn quốc. Giá mũi tiêm khoảng 1,3 triệu đồng. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng, có thể tiêm đồng thời với các loại khác tùy loại. Phác đồ khác nhau phụ thuộc vào lịch sử chủng ngừa, tiền sử mắc bệnh, do vậy mỗi người cần được bác sĩ tư vấn cụ thể trước khi tiêm.
ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết vaccine có ý nghĩa lớn khi dịch tễ sốt xuất huyết thay đổi trong thời gian gần đây. Vấn đề đô thị hóa và sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, tăng lây nhiễm bệnh trên người.
"Vaccine là một trong những giải pháp chắc chắn giúp chiến lược kiểm soát sốt xuất huyết hiệu quả hơn", bà Nga nói kèm khuyến cáo người dân vẫn cần duy trì đồng bộ các biện pháp khác như diệt muỗi, chống muỗi đốt bằng việc dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, ngủ màn...
Đồng tình, TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) kỳ vọng vaccine góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, giảm số ca nhập viện và biến chứng, tránh quá tải trong các vụ dịch.
Trước đó, vaccine sốt xuất huyết được Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cấp phép lưu hành hồi tháng 5. Hiện vaccine được tiêm chủng tại VNVC.
Sốt xuất huyết là bệnh do virus Dengue gây ra, có thể bùng phát thành dịch lớn. Việt Nam ghi nhận cả 4 chủng virus gây bệnh, trong đó type Den-1 và Den-2 xuất hiện nhiều hơn, type Den-2 thường liên quan đến ca nặng, tử vong. Khi mắc bệnh, cơ thể chỉ sinh miễn dịch với type virus đó. Vì vậy, một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết 4 lần trong đời.
Đặc điểm của bệnh là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh không có thuốc đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu cần nhập viện. Khi sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, tránh tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân có thể uống paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau; tránh aspirin hoặc ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca sốt xuất huyết toàn cầu tăng gấp 10 lần trong hai thập niên, từ 500.000 ca năm 2000 lên hơn 5 triệu ca năm 2019. Tại Việt Nam, giai đoạn 2019-2023 có hai đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Riêng năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ hai toàn cầu, sau Brazil.
Gia Nghi