Sáng 22/1, UBND tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công dự án xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên.
Dự án gồm mở rộng đường băng 35-17 kích thước 2.400x45 m trên nền đường băng hiện tại, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 và tương đương; xây lề đường băng rộng mỗi bên 7,5 m, đường lăn và hệ thống đèn tiếp cận đồng bộ.
Nhà ga hành khách được thiết kế hai tầng, tầng 1 là khu vực hành khách đi và đến; tầng 2 là phòng chờ, phòng khách thương gia, dịch vụ thương mại và phụ trợ. Nhà ga được nâng công suất từ 300.000 lên 500.000 hành khách mỗi năm.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của ACV. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chi phí 1.555 tỷ đồng được bố trí từ ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc sớm mở rộng sân bay Điện Biên sẽ góp phần thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch, thương mại, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, giá trị của quần thể di tích Điện Biên Phủ. Đây chính là lợi thế của Điện Biên.
Phó thủ tướng yêu cầu ACV và các đơn vị tư vấn, nhà thầu huy động nguồn lực, xây dựng bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ. Tỉnh Điện Biên bổ sung quy hoạch, xây dựng các dự án hạ tầng đồng bộ, thuận lợi cho các doanh nghiệp, du khách. Các bộ, ngành liên quan cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc.
Tỉnh Điện Biên đã giải phóng mặt bằng 149 ha đất trong 8 tháng để bàn giao toàn bộ cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc phục vụ mở rộng sân bay.
Điện Biên là nơi duy nhất có sân bay trong 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, giữ vị trí xung yếu đối với công tác phòng thủ, bảo vệ khu vực Tây Bắc, phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng. Sân bay vốn được người Pháp xây dựng, sau năm 1954 phục vụ cả dân sự và quân sự.
Hiện sân bay Điện Biên có một đường băng kích thước 1.830x30 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994, sân đỗ tàu bay có 3 vị trí, nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách mỗi năm. Do hạn chế về chiều dài và tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi) nên sân bay chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày.