Ngày 17/12, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, đơn vị đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải việc nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
ACV khái toán tổng mức đầu tư xây mới toàn bộ sân bay này khoảng 4.780 tỷ đồng, trong đó công trình khu bay dự kiến 1.400 tỷ đồng; các công trình hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng, điều hành bay 155 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng dự kiến 1.530 tỷ đồng.
Tại khu bay, ACV đề xuất xây dựng mới đường cất hạ cánh dài 2.400 m, hệ thống đường lăn nối bãi đỗ, đường lăn song song và đèn tiếp cận.
Công trình nhà ga hành khách được đề xuất xây mới 2 tầng, đáp ứng 2 triệu hành khách một năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ tàu bay với 6 vị trí đỗ máy bay A320/321 và tương đương.
Hai phương án đầu tư sân bay Điện Biên được ACV đề xuất là sử dụng vốn doanh nghiệp và vốn ngân sách nhà nước. Với phương án một, ACV sẽ dùng vốn doanh nghiệp để đầu tư các công trình khu bay cũng như nhà ga, hạng mục phụ trợ. Tổng công ty quản lý bay sẽ đầu tư các công trình điều hành bay. Phần giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhiệm bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Theo phương án này, dự kiến sân bay Điện Biên được xây dựng chỉ 36 tháng sau khi phê duyệt chủ trương.
Phương án hai, ACV đề xuất đầu tư các công trình khu bay bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc địa phương; khu hàng không dân dụng sẽ do ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp; dự kiến cần 40 tháng để hoàn thành dự án nếu triển khai theo phương án này.
Điện Biên hiện là sân bay nội địa cấp 3C, gồm một đường băng dài 1.830 m được đưa vào sử dụng từ năm 1994, chỉ đón được máy bay ATR72. Nhà ga hành khách có công suất 300.000 hành khách một năm.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không, giai đoạn đến năm 2020, cảng hàng không Điện Biên có công suất khoảng 300.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm. Đến năm 2030, dự kiến công suất sân bay nâng lên 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.