Người nhà cho biết, bệnh nhân tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, huyết áp cao nhưng không được phát hiện và điều trị. Người bệnh ngừng tim, ngừng thở trước khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh. Kíp bác sĩ tiến hành sốc điện cấp cứu và dùng các biện pháp hồi sinh tim phổi tích cực. Sau 40 phút, nhịp tim người bệnh trở lại. Bác sĩ chỉ định chụp động mạnh vành, đặt stent động mạch vành phải. Trong quá trình can thiệp, bệnh nhân xuất hiện loạn nhịp tim và nhiều lần ngừng tim.
Sau cấp cứu, người bệnh vẫn trong tình trạng sốc tim nặng, co giật liên tục, ngừng thở, được chuyển về khoa Hồi sức Cấp cứu. Tại đây, bác sĩ tiếp tục hồi sinh tim phổi nâng cao, hồi sức não, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, chăm sóc toàn diện. Hai ngày sau, người bệnh tỉnh, tự thở tốt; rút ống thở nội khí quản và thở bằng oxy mũi.
Qua hai tuần điều trị tích cực, đến 8/6, bệnh nhân tỉnh lại, dấu hiệu sinh tồn dần ổn định, không để lại di chứng. Theo các bác sĩ điều trị, người bệnh có thể xuất viện và điều trị theo đơn tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngừng tuần hoàn (ngưng tim ngưng thở) là một biến cố trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Tại Mỹ, 90% trường hợp ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện đã tử vong. Trong số bệnh nhân tim đập trở lại chỉ 45% sống sót. Trong số bệnh nhân sống sót chỉ 30% ra viện. Nguyên nhân quan trọng nhất là tác động của hội chứng sau ngừng tuần hoàn, trong đó tổn thương não là nguyên nhân phổ biến gây tử vong.
Thông thường, thời gian từ khi cấp cứu ngưng thở đến khi tim đập trở lại là 3,8 đến 5,1 phút cấp cứu cơ bản và 8,4 đến 9 phút cấp cứu chuyên sâu.
Bác sĩ Ngô Hữu Hà, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết khó có thể nói được tỷ lệ thành công trong cấp cứu ngừng tuần hoàn là bao nhiêu. Để cứu sống người bệnh nhồi máu cơ tim cấp có biến ngừng tuần hoàn, ngoài chẩn đoán sớm và chính xác, cấp cứu kịp thời còn cần phối hợp chặt chẽ bác sĩ và phương tiện kỹ thuật hiện đại để hồi sinh người bệnh mà không để lại di chứng sau này.
Bác sĩ cũng khuyến cáo những người bệnh có tiền sử bệnh tim, kể cả là đối tượng người trẻ khi xuất hiện những biểu hiện đau tức ngực, khó thở cần đến ngay những cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Đi khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý, có hướng điều trị sớm, tránh các biến chứng nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Thùy An