Bác sĩ Trần Tấn Việt, trưởng khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, TP HCM, cho biết tại Việt Nam, hơn 90% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp đến viện muộn, khiến việc điều trị kém hiệu quả.
Trong khi đó, thời gian chính là sự sống với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp (giống như đột quỵ). Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian tim thiếu máu càng lâu, bệnh nhân càng nguy hiểm.
"Nếu được can thiệp trong vòng 3 giờ từ khi khởi phát đau ngực, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót cao nhất và tỷ lệ bị biến chứng thấp nhất", bác sĩ Việt nói.
Can thiệp mạch vành được xem là phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay cho chứng nhồi máu cơ tim. Kỹ thuật này giới hạn tác dụng trong 12 giờ đầu sau khi xuất hiện cơn đau thắt ngực. Hiệu quả can thiệp đạt tốt nhất trong vòng một giờ đầu tiên. Mạch vành bị tắc được tái thông, tái tưới máu nuôi vùng cơ tim bị thiếu máu. Cơn đau tim giảm hoặc hết đau ngực ngay lập tức. Cơ tim hồi phục và không bị hoại tử. Bệnh nhân có thể trở về cuộc sống và hoạt động thể lực gần như bình thường.
Theo bác sĩ, nhồi máu cơ tim là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra đột ngột bất cứ lúc nào, kể cả khi người bệnh vui chơi, nghỉ ngơi hay làm việc. Bệnh thường gặp ở những người đã có bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì... chưa điều trị hoặc có điều trị nhưng không chú ý đến chế độ dinh dưỡng, lối sống và vận động phù hợp.
Triệu chứng điển hình của người bị nhồi máu cơ tim là cảm giác đau căng và thắt chặt ở giữa ngực, lan tỏa đến cánh tay, vai, cổ, răng, hàm, vùng bụng. Người bệnh có thể thấy tim đập mạnh liên hồi, toát mồ hôi, buồn nôn, khó thở, mặt tái nhợt, chóng mặt và bất tỉnh. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm.
Có rất nhiều người bệnh bỏ qua dấu hiệu nguy cơ nhồi máu cơ tim, cho đến khi xuất hiện một cơn nhồi máu cơ tim thì đã quá muộn, bác sĩ Việt chia sẻ. Do đó, các bác sĩ tim mạch khuyên rằng, khi thấy một người có các dấu hiệu báo trước cơn nhồi máu cơ tim, nên hạn chế tối đa các cử động của người bệnh và đưa họ đến cấp cứu tại các bệnh viện có đơn vị can thiệp tim mạch ngay.
Riêng với người lớn tuổi, hoặc có bệnh mạch vành, bác sĩ khuyên họ duy trì sống lành mạnh như không hút thuốc lá, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, ăn giảm mỡ, giảm mặn. Nếu đã đặt stent mạch vành, người bệnh cần tái khám định kỳ để được theo dõi và phát hiện sớm các tình trạng tái hẹp mạch máu. Đồng thời để theo dõi định năng tim, thận cũng như điều chỉnh các bệnh lý đi kèm khác như đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid.
Thư Anh