Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa, Phó Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết: Cách đây 5 tháng, bệnh nhân được can thiệp đặt stent cấp cứu do nhồi máu cơ tim. Bệnh nhân đã trở lại công việc thường ngày từ 2 tháng nay và dùng thuốc kháng tiểu cầu theo đơn bác sĩ.
Do bị đau dạ dày nên bệnh nhân tự ý ngưng sử dụng thuốc chuyển sang dùng thuốc dạ dày. Sau 10 ngày, bệnh nhân thấy ngực đau dữ dội kèm tụt huyết áp nên được đưa đi cấp cứu.
Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim tái phát, tắt stent động mạch vành do huyết khối. Ngay lập tức, người bệnh được sử dụng thuốc kháng tiểu cầu liều cao để ngăn chặn tình trạng đông máu, chụp mạch vành và can thiệp cấp cứu.
"Việc tự ý ngưng thuốc tim mạch sau đặt stent, trong đó có các thuốc kháng tiểu cầu đã khiến bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu, gây tái phát nhồi máu cơ tim", bác sĩ Hòa chia sẻ.
Thuốc kháng tiểu cầu là một thuốc đặc biệt, được bác sĩ kê toa cho người bệnh nhằm làm giảm tối đa nguy cơ hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch máu. Thuốc kháng tiểu cầu được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh tim mạch, chủ yếu là các trường hợp có nguy cơ hình thành huyết khối cao như: người bệnh sau đặt stent, dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Khi có những mảng xơ vữa trong lòng mạch, các tế bào tiểu cầu sẽ đến làm lành vết thương. Tuy nhiên nếu mảng xơ vữa quá lớn, tiểu cầu tập kết quá nhiều sẽ kích hoạt quá trình đông máu, tạo thành nút chặn tiểu cầu lớn, hình thành cục máu đông lớn gây tắc nghẽn động mạch. Trong trường hợp này, thuốc kháng tiểu cầu sẽ làm suy yếu, hạn chế tạo cục máu đông, góp phần giảm nguy cơ gây ra biến cố tim mạch ở người bệnh.
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ luôn khuyến cáo người bệnh cần phải tuân thủ điều trị. Việc tuân thủ sử dụng thuốc đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tái phát. Đặc biệt với người nhồi máu cơ tim, khi tái phát, biến cố xảy ra sẽ nặng hơn so với ban đầu, tỉ lệ tử vong cao.
Thuốc kháng tiểu cầu có nhiều lợi ích trong phòng ngừa các biến cố tim mạch, tuy nhiên cũng có tác dụng phụ, phổ biến nhất là dị ứng: nổi mẩn, khó thở, phát ban, bị khó chịu vùng thượng vị, viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, dễ chảy máu, xuất hiện vết bầm ở nhiều vùng cơ thể. Đáng lưu ý là hiện tượng xuất huyết tiêu hoá, nặng hơn là xuất huyết não.
Bác sĩ khuyến cáo, ngay khi xuất hiện tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí. Người bệnh không được tự ý ngưng thuốc, tăng giảm liều lượng của thuốc. Thay vào đó, cần tái khám ngay để bác sĩ chuyên khoa tim mạch đánh giá mức độ nặng, cân nhắc giảm liều lượng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để hạn chế, loại bỏ tác dụng phụ.
Lê Cầm