Bác sĩ Đào Mỹ Dung, chuyên gia Nội Tim Mạch, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, Đồng Nai, cho biết nhồi máu cơ tim xảy ra khi đột ngột tắc hoàn toàn hoặc một phần, một trong hai nhánh mạch máu hoặc cả hai nhánh. Nếu một vùng cơ tim bị chết do thiếu máu, lúc này chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim...
Triệu chứng của nhồi máu cơ tim bao gồm đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, cảm giác nóng rát trước ngực trái đến đau nhiều như đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau có thể kéo dài nhiều phút hoặc biến mất rồi lại xuất hiện.
"Khi lên cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân sẽ đột ngột đau tức ngực như dao đâm dẫn đến ngất đi, phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt, giữ bệnh nhân ở tư thế bất động là tốt nhất", bác sĩ Dung chia sẻ.
Đối với một người bị ngất xỉu do nhồi máu cơ tim nên để bệnh nhân nằm yên, tiến hành đo huyết áp nếu có thể, gọi cấp cứu để di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Trong trường hợp, bệnh nhân ngưng tim thì người nhà phải làm sơ cứu hô hấp trong khi đợi cấp cứu đến. Tuy nhiên, bác sĩ Dung nhấn mạnh: "Bạn chỉ thực hiện các kỹ thuật sơ cứu nếu đã nắm rõ và được huấn luyện thực hành các kỹ thuật này"
Cấp cứu ép tim ngoài lồng ngực: Đầu tiên, bệnh nhân được đặt nằm thẳng trên bề mặt cứng. Người thực hiện quỳ gối gần người bệnh, chồng 2 tay lên và ép lực mạnh vào vùng trước tim rồi nới lỏng tay. Thực hiện động tác lặp lại 60 lần/phút để thúc đẩy co bóp tim.
Cấp cứu hô hấp nhân tạo: Phương pháp cấp cứu này giúp bệnh nhân dễ thở hơn, hỗ trợ thở cho các trường hợp ngừng tim, ngừng thở ngắn.
- Đầu tiên, đặt bệnh nhân nằm thẳng ở nơi thoáng, nới rộng quần áo và kiểm tra, loại bỏ dị vật trong miệng như răng giả,...
- Dùng vật kê cao đầu bệnh nhân, tư thế hơi ngửa ra sau.
- Dùng tay bịt mũi người bệnh, dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân. Lặp lại nhiều lần cho đến khi người bệnh lấy lại nhịp thở bình thường.
Khi bệnh nhân ngất xỉu, nhân viên y tế sẽ sơ cứu, để người bệnh nằm bất động tại phòng, thở oxy, truyền thuốc vận mạch, giữ tuần hoàn và hô hấp, sau đó sẽ điều trị chuyên khoa sâu.
Lê Cầm