Trưa giữa tháng 2, con đường nhỏ gồ ghề đất đá ven kênh Tham Lương dẫn vào khu dân cư ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, vắng bóng người. Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, bà Bùi Dịu, 63 tuổi, đóng chặt cửa tránh mùi hôi bốc lên từ dòng kênh trước mặt, đang bị lục bình phủ kín, xen lẫn các loại thùng xốp, chai nhựa, xà bần, xác động vật...
Nhà cách mặt kênh chừng 20 m, bà Dịu kể những năm qua phải chịu cảnh ô nhiễm nghiêm trọng khi nhiều đoạn ven bờ trở thành nơi đổ rác. Trưa nắng hoặc khi nước cạn, đáy kênh lộ ra các loại chất thải ứ đọng từ lâu, quện trong bùn đen, bối mùi nồng nặc. "Có những lần vừa bưng chén cơm phải vội buông đũa vì mùi hôi xộc lên giữa trưa", bà nói.
Người phụ nữ này nhớ lại những năm 90, ven kênh Tham Lương - Bến Cát cỏ cây mọc um tùm, nhưng phía dưới nước trong xanh, nhiều tôm cá, trẻ nhỏ hay xuống tắm. Đây cũng là nơi thuyền ghe ở miền Tây thường chở gốm sứ, trái cây qua lại TP HCM. Kênh bắt đầu ô nhiễm khi người dân chuyển đến sinh sống ven bờ ngày càng đông. Nhiều căn nhà dựng tạm bợ lấn ra mặt nước, nằm xiêu vẹo. Rác thải đổ thẳng xuống kênh khiến ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Dài gần 32 km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chảy qua quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đây là kênh dài nhất nhưng cũng là một trong những tuyến ô nhiễm nhất TP HCM. Người dân trong khu vực từng khấp khởi mừng khi thành phố triển khai kế hoạch cải tạo con kênh vào năm 2002 với số tiền đền bù gần 1.300 tỷ đồng và khoảng 3.200 hộ phải giải toả, di dời.
Mong muốn kênh sớm trở lại trong xanh, thời điểm đó, gia đình bà Dịu giao hơn 500 m2 đất phía mặt kênh, phần còn lại chừng 60 m2 xây lại nhà cho gia đình 4 người ở. "Tuy nhiên, sau đó dòng kênh chỉ được nạo vét, đắp đất hai bờ rồi dừng lại. Đến nay, kênh vẫn hôi thối, nước vẫn đen", bà nói và cho hay rất mừng khi nghe thông tin sắp cải tạo toàn tuyến để hoàn thành mục tiêu hồi sinh dòng kênh bị dang dở cả chục năm qua.
Giai đoạn hai dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và TP HCM. Công trình sẽ khởi công ngày 23/2, dự kiến hoàn thành năm 2025 với mục tiêu cải thiện môi trường, kết nối giao thông, thoát nước cho gần 15.000 ha với hơn 2 triệu dân trong khu vực.
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc quản lý dự án, thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư), cho biết ở giai đoạn này, toàn tuyến Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên sẽ được kè bêtông hai bờ, nạo vét lòng kênh và xây đường chạy dọc hai bên rộng 7-12 m, vỉa hè 3 m, với tổng chiều dài hơn 63 km. Trên tuyến cũng được xây 19 cống thoát nước, 12 bến thuyền, ba cây cầu cùng hệ thống thoát nước mưa, chiếu sáng, cây xanh...
Theo ông Tùng, đây là giai đoạn quan trọng nhất của toàn bộ dự án. Điều kiện thuận lợi là việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn tất từ trước. Toàn tuyến hiện chỉ còn một phần diện tích chưa giải toả ở quận 12 và Gò Vấp, với 166 hộ. Thủ tục đền bù đang được các địa phương tập trung hoàn tất để phục vụ dự án.
"Toàn tuyến có 10 gói thầu chính, trong đó 9 gói đã có mặt bằng sạch và chọn được nhà thầu thi công", ông Tùng nói và cho biết do nhiều đoạn kênh song song quốc lộ 1 nên khi dự án hoàn thành, tuyến đường này cũng sẽ được giảm tải nhờ có hai đường ven kênh đi xuyên qua 7 quận, huyện "chia lửa".
Trước đó, giai đoạn hai của dự án đã được TP HCM lên kế hoạch triển khai từ năm 2012 nhưng chưa thể thực hiện do khó khăn nguồn vốn. Sau đó, việc cải tạo kênh được nghiên cứu chuyển thành một hạng mục của dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP HCM, dùng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Tuy nhiên, năm 2017 WB ngưng tài trợ nên dự án tiếp tục gặp bế tắc. Đến năm 2021, dự án được chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, kết hợp vốn của Trung ương và thành phố.
Ngoài tuyến kênh trên, cuối năm ngoái HĐND TP HCM duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (Bình Thạnh, Gò Vấp), dài 8 km với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng. Công trình cũng sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo hai giai đoạn. Trong đó, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.
Trước hai con kênh này, TP HCM đã hồi sinh các dòng kênh đen khác như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Hàng Bàng... Dự án cải thiện môi trường nước kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ cũng đang được thực hiện giai đoạn 2, dự kiến về đích cuối năm nay.
Gia Minh