4h chiều, ông Hoàng Ngọc Lân, 72 tuổi, cầm theo cây cuốc nhỏ đi ra vuông rau rộng hơn 8 m2 trước nhà ở hẻm đường Kênh 19/5, khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Cách vườn rau vài bước chân, dòng kênh Tham Lương phủ đầy cỏ dại, lục bình. Đoạn gần bờ, nhiều thùng xốp, vải, tấm nệm, xà bần... chất thành đống, nằm ngổn ngang. Nước ở kênh đen kịt, tù đọng, bốc mùi hôi.
Bị cây cối, cỏ dại bao phủ nên hầu hết những người mới chuyển tới không biết nhà mình nằm cạnh con kênh thuộc hàng dài nhất thành phố. Dòng nước trong lành chỉ còn trong ký ức cư dân sống ở đây hơn 20 năm trước. Năm 2000, cả khu dân cư nơi ông Lân sống chừng 10 nóc nhà. Người dân chủ yếu làm ruộng. Mỗi chiều làm đồng về, họ ra dòng kênh giăng lưới, tát nước bắt cá rô, lóc, thác lác... Sau những cơn mưa, người nông dân cầm đen pin soi bắt cá, ếch nhái.
Nhưng chỉ vài năm sau đó, áp lực đô thị hóa, dân số tăng nhanh khiến nhà cửa mọc lên dày đặc. Những cánh đồng dần biến mất vì bị san lấp, ủi đất. Hàng loạt ngôi nhà, đường bê tông mọc lên ven kênh. Con kênh hiền hòa bị "bức tử" bởi rác người dân vứt, chất thải của cơ sở sản xuất xả xuống. Dòng kênh rộng hơn 30 m giờ bị thu hẹp phân nửa vì người dân lấn chiếm, cơi nới để làm nhà, có đoạn thắt lại chỉ vài mét như cổ chai.
Những chiếc cầu dân sinh rộng chừng 3 m, nối hai bên bờ kênh trở thành nơi tập kết rác. Phía dưới cầu chứa đủ loại rác thải như vải vụn, mút xốp, nệm cũ, xác động vật, xà bần, vật liệu xây dựng... Rác nằm ứ đọng, mặt kênh bị lấp bởi cỏ dại, lục bình khiến nước không thể chảy, chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối.
Mở quán cà phê cách nhà ông Lân một con hẻm, chị Trịnh Thị Lệ Uyên cho biết, từ 5h chiều phải đóng tiệm vì mùi hôi từ kênh bốc lên, không có khách nào ngồi nổi. Hai con trai 3 và 12 tuổi của chị chân tay rộp lở vì muỗi cắn. Hàng đêm người mẹ 37 tuổi, phải canh quạt, dùng vợt xua muỗi cho đứa con lớn học bài, đứa nhỏ phải ngồi trong màn chơi đồ hàng.
"Nhà lúc nào cũng phải xịt thuốc, đốt nhang diệt muỗi nhưng vì chúng quá nhiều xịt không lại", chị Uyên kể và cho biết nhiều hôm đứng trên lầu thấy người khiêng nệm cũ đến bờ kênh vứt. Nhắc nhở không vứt rác, chị nhận được những câu nói khó chịu, thách thức của một số người.
Sau thời gian dài sống trong ô nhiễm, những hộ dân nơi khu phố 9, phường Bình Hưng Hòa vui mừng khi năm 2016 dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên giai đoạn 1 được triển khai. Nhiều máy múc được đưa tới nạo vét bùn thải dưới đáy kênh lên. Xe ben liên tục ra vào, chở rác thải, bùn đất. Tuy nhiên hơn một năm thi công, dự án phải dừng do khó khăn về vốn.
Kênh Tham Lương có hơn 16 km chảy qua quận Bình Tân. Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho hay kênh là trục thoát nước chính ở địa phương. Năm 2016, quận đã bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.300 hộ dân sống ven kênh để dự án triển khai. Nhưng do việc cải tạo tuyến kênh bị dừng nên vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết.
"Nhiều năm qua, quận tổ chức vớt rác, trồng cây tạo cảnh quan dọc hành lang con kênh nhằm nâng cao ý thức người dân", ông Nhựt nói và cho biết đây chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài quận mong dự án nhanh được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống người dân.
Cũng như Bình Tân, người dân 6 quận huyện (12, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Chánh) sống hai bên kênh cũng chịu chung tình trạng ô nhiễm. Ngoài việc nâng cao ý thức người dân không xả rác, làm sạch môi trường, các địa phương cũng mong muốn việc cải tạo kênh Tham Lương sớm triển khai.
Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc UBND TP HCM) trình dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương, tổng vốn 8.200 tỷ đồng, thực hiện trong năm nay, hoàn thành năm 2025. Đây là công trình trọng điểm, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển và được HĐND thành phố đồng ý chủ trương đầu tư ở kỳ họp ngày 22/4.
Công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bê tông và đường dài gần 33 km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới, sửa chữa các các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; xây 12 bến thuyền dọc kênh... Trong tổng vốn đầu tư, chi phí xây dựng khoảng 6.400 tỷ đồng; 718 tỷ đồng đền bù mặt bằng, còn lại chi phí dự phòng và các khoản khác.
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, dự án khi hoàn thành giúp chống ngập và xử lý nước thải cho bảy quận huyện nằm dọc kênh. Ngoài ra, công trình sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha.
Hà An