Chúng tôi cũng không có mâu thuẫn trong quá trình làm việc, cũng không phải chuyện lương lậu thiếu công bằng. Nói một cách công tâm, đây là một nhân viên có năng lực, rất hòa đồng, được đồng nghiệp yêu quý. Việc phải chia tay một người trẻ tài năng như vậy, bản thân người quản lý như tôi cũng rất tiếc.
Tuy nhiên, sau khi nghe cậu bạn này trình bày lý do xin nghỉ việc là "muốn tìm một công việc đỡ vất vả hơn, lương thưởng có thể không cao bằng, nhưng có thời gian để hưởng thụ cuộc sống", tôi thực sự không còn cách nào khác để thuyết phục.
Hiện nay, xã hội ngày một phát triển, nhu cầu hưởng thụ của con người cũng ngày một cao hơn. Không thể phủ nhận một bộ phận người trẻ có trong mình tư tưởng YOLO ("you only live once", tạm dịch: bạn chỉ sống một lần duy nhất). Với họ, cuộc sống không chỉ có đi làm, kiến tiền, mà còn phải có hưởng thụ, thậm chí làm bao nhiêu hưởng thụ hết bấy nhiêu.
Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ "nướng" toàn bộ số tiền mình kiếm được để đi du lịch từ trong nước ra nước ngoài, mua sắm những món đồ công nghệ hiện đại nhất, trải nghiệm những dịch vụ tân thời nhất. Họ tâm niệm rằng "không ai biết được ngày mai thế nào, nên cứ tranh thủ mà tận hưởng cuộc sống hết mức có thể".
Bản thân tôi thời trẻ cũng từng có giai đoạn nhen nhóm suy nghĩ đó. Đã có lúc tôi tự hỏi bản thân: tiền nhiều để làm gì; tại sao cứ phải lao đầu vào làm việc, kiếm tiền rồi tiết kiệm; cứ lãng phí thanh xuân như vậy, sau này già rồi cầm cả cục tiền cũng để làm gì đâu? Tôi thậm chí còn bỏ việc một thời gian ở một công ty nước ngoài có tiếng, lương tháng cả nghìn USD, chỉ vì quá mệt mỏi, áp lực và mất phương hướng.
Sau đó, tôi ở nhà và vùi đầu vào chiếc điện thoại hay các cuộc tụ tập với bạn bè để đòi lại "tự do" cho bản thân mình. "Cuộc sống của mình có thiếu thốn đến mức đấy đâu, sao phải khổ?", tôi nghĩ vậy. Thế rồi biến cố đến khiến tôi thay đổi tất cả.
Thời điểm đó, mẹ tôi đổ bệnh nặng. Là con cả trong gia đình, nhưng trước giờ, tôi thường không phải quá lo lắng đến chuyện tiền bạc do mẹ có lương, em tôi cũng có công ăn việc làm ổn định. Nhưng giờ, lần đầu tiên tôi bị ám ảnh bởi tiền. Không vậy sao được khi mẹ nằm đó, tiền thuốc men, điều trị ngốn hàng chục triệu mỗi tuần, mà còn không biết bao giờ mới khỏi. Tôi bắt đầu lao đầu vào kiếm việc và đi làm, mục tiêu là nơi nào trả lương cao nhất sẽ làm cho nơi đó, bất kể công việc áp lực đến đâu.
Tôi nỗ lực từng ngày, từng tháng, từng năm, tích góp từng đồng để lo tiền chạy chữa cho mẹ. Trong khi đó, mẹ tôi thương con, không muốn làm gánh nặng cho con cái, nên nhiều khi bà đòi về nhà, không chữa trị nữa vì tốn kém. Những lúc như vậy, tôi mới thấy hối hận vì đã không lo kiếm tiền ngay từ đầu. Giá như tôi cố gắng hơn, làm việc chăm chỉ hơn, bớt đi chút thời gian hưởng thụ cuộc sống để tập trung nâng cao thu nhập, tích lũy tiền bạc, có lẽ mọi thứ đã không vất vả đến vậy.
>> 'Tuổi trẻ hãy kiếm tiền, đừng lo tiết kiệm'
Cũng may, tôi vẫn còn thời gian để thay đổi và tìm ra định hướng cuộc đời mình. Kể từ sau lần đó, tôi vùi đầu vào làm việc một cách hăng say, cống hiến hết sức mình để hoàn thành mọi công việc khó khăn, áp lực nhất. Nhờ vậy, thu nhập của tôi tăng đáng kể sau mỗi năm, thậm chí tôi còn được thăng chức làm quản lý, có nhân viên cấp dưới. Vậy mới thấy, bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra được giá trị của đồng tiền khi cuộc đời chưa gặp biến cố. Đó là lý do hầu hết những người muốn sống hưởng thụ lại đa phần là giới trẻ - những người ít gặp sóng gió, như người ta vẫn thường nói vui "tuổi trẻ chưa trải sự đời".
Khi các bạn còn trẻ, đừng phí thời gian cho những cuộc vui, cho hưởng thụ, hãy tập trung cho sự nghiệp, nâng cao tài chính của bản thân, có khoản tích lũy và không ngừng gia tăng giá trị tài sản của mình. Hãy học cách tiết kiệm, đừng tiêu xài hoang phí, đừng "nướng" toàn bộ số tiền mình kiếm được cho một thú vui tiêu khiển nào đó. Bởi tiền có thể không phải là tất cả, nhưng ít nhất nó sẽ là chiếc phao cứu sinh khi bạn gặp biến cố, nó sẽ cho bạn một cơ hội để lựa chọn.
Không có tiền, làm sao trang trải được chi phí sinh hoạt cho bản thân mình, làm sao thuốc men cho người thân, làm sao giúp đỡ được họ hàng, làm sao làm từ thiện...? Khi ấy, những chuyến du lịch, những cuộc vui với bạn bè liệu có thể cho bạn kinh nghiệm gì, hay giải pháp nào để bạn vượt qua khó khăn không? Tôi nghĩ là không.
Bởi thế, đừng xem nhẹ giá trị đồng tiền, đừng coi rằng lao đầu vào công việc là ngốc ngếch, lãng phí thanh xuân. Biết đâu đó, những giờ phút tuổi trẻ ít hưởng thụ đó sẽ cho bạn một điểm tựa vững chắc khi ở tuổi trung niên.
Tiền nhiều chưa chắc đã cho bạn những phút giây thảnh thơi những ít nhất sẽ giúp bạn có một cuộc sống an toàn. Có tiền, bạn sẽ có thể làm những điều mình muốn, giúp đỡ khác khi họ cần, làm chủ được cuộc đời của bạn. Có thể bây giờ bạn chưa nhận thấy kết quả ngay lập tức, nhưng những giá trị mang lại sau này chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Tất nhiên, mỗi người sẽ có một quan điểm sống riêng, tôi không dám khẳng định sống thế nào mới là tốt bởi đúng hay sai tùy thuộc vào cách nhìn của bạn. Tôi chỉ hy vọng rằng, các bạn trẻ hãy chậm lại một nhịp, đừng quá vội vàng hưởng thụ khi mới bước chân vào đời để rồi đánh mất đi những bước đà quan trọng cho tương lai sau này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.