Trở về sau lần đầu vô địch marathon thế giới năm 1983, Grete Waitz cho biết cô cảm thấy "trống rỗng và vô nghĩa như đường hầm". Cảm giác ấy thậm chí xuất hiện ngay từ khi Waitz bước qua đường hầm để rời sân vận động. Joan Benoit - nhà vô địch marathon đầu tiên của Olympic nữ, giành HC vàng tại Los Angeles 1984 - thì viết trong hồi ký cảm thấy trống rỗng sau những cuộc đua lớn, và đôi khi không thể rũ bỏ được tâm trạng tồi tệ đó sau nhiều tuần.
Tình trạng bất ổn sau cuộc đua này có thể là một trong số ít những điểm chung của hầu hết runner nghiệp dư với những VĐV đỉnh cao.
Nhưng theo trang Podium Runner, nếu cảm thấy bất ổn sau khi dự giải chạy marathon, thì bạn không đơn độc, điên rồ và không cần phải che giấu điều đó. Trên thực tế, việc thừa nhận những gì bạn cảm thấy mang tính xây dựng. Mark Coogan, HLV của đội chạy New Balance Boston, nhận thấy xu hướng tích cực trong việc nhận ra "các VĐV không là người máy, mà là con người bình thường" - sự thừa nhận rằng, bất kể trình độ khả năng của bạn như thế nào, việc chạy và thi đấu đều rất khó khăn và không chỉ về cơ thể.
Nỗi ám ảnh lớn
"Tôi luôn gặp sự cố nghiêm trọng sau một cuộc chạy marathon", Ben Rosario, HLV của đội chạy HOKA NAZ Elite, kể. Rosario xem việc không còn mục tiêu cụ thể sau nhiều tháng tập luyện chăm chỉ là vấn đề lớn. "Việc tập luyện marathon mang đến mức độ gây nghiện. Bạn đã dành nhiều tháng trời cho việc này, nó thôi thúc bạn thức dậy vào buổi sáng, cố gắng tập luyện. Và rồi nó biến mất", HLV này nói.
Amy Begley, cựu VĐV Olympic 2008 và HLV của CLB điền kinh Atlanta, đồng ý với nhận định của Rosario, so sánh việc hoàn thành giải marathon như "đi xuống từ một độ cao đáng kinh ngạc". Cô nói thêm: "Có một hố đen mà bạn quay trở lại và rất nhiều người không hiểu. Mọi người nói rằng bạn nên hạnh phúc và phấn khích". Đôi khi, bạn cảm thấy như vậy, những lần khác thì ít hơn. Và tâm trạng này không nhất thiết phải gắn liền với kết quả hay thành tích chạy marathon.
Kỳ vọng và thực tế
Bạn có thể cảm thấy tồi tệ hơn sau những cuộc đua thắng lợi. Nhà vô địch marathon Jack Fultz, hiện là nhà tâm lý học thể thao và HLV chạy bộ, nhớ lại rằng trong tất cả các cuộc chạy marathon, ông cảm thấy thất vọng "một cách sâu sắc nhất" sau khi vô địch Boston 1976.
Fultz cho biết những kỳ vọng - cách chúng ta nghĩ bản thân sẽ cảm thấy - thường vượt xa thực tế. Cuối cùng, chúng ta cảm thấy như có điều gì đó không ổn xảy ra với bản thân vì chúng ta không hạnh phúc như tưởng tượng, sau khi đạt mục tiêu kỳ vọng.
Nó không nhất thiết phải là một cuộc chạy marathon mà điều đó có thể xảy ra sau những thành công lớn nhất có thể. VĐV từng dự năm kỳ Olympic Nick Willis nhớ lại cảm giác lạc lõng nhất sau khi đoạt huy chương 1.500m vào năm 2008 và 2016. "Thật khó hơn nhiều để quay lại tập trung vào bất cứ điều gì", anh bày tỏ. "Tôi gần như trôi dạt trong vài tháng trước khi quay trở lại với bất cứ điều gì nghiêm túc".
Sự thay đổi về thần kinh
"Những vấn đề hóa học thần kinh cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Chúng ta không biết nhiều về việc chạy marathon ảnh hưởng đến não như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng phải mất một thời gian để não thiết lập lại", Podium Runner viết.
Tập thể dục làm tăng mức độ các hợp chất ảnh hưởng đến tâm trạng trong não, tức bạn có thể cảm thấy tốt hơn sau khi chạy. Nhưng với hầu hết runner, chạy marathon không chỉ là một buổi tập thể dục. Cữ chạy này dài, mãnh liệt và với hầu hết các runner, nó là đỉnh cao của một hành trình dài hướng tới một mục tiêu có ý nghĩa cá nhân.
Một chất có ảnh hưởng đến tâm trạng, dopamine, có mối liên hệ chặt chẽ với việc theo đuổi mục tiêu: nếu bạn đang thực hiện các bước để đạt được mục tiêu đã đặt ra, cơ thể sẽ tiết ra nhiều dopamine hơn để khiến bạn cảm thấy hài lòng về điều đó.
Việc tập luyện marathon sẽ giải phóng dopamine và chính cuộc đua đã gây ra sự tăng đột biến. Nhưng một khi đã đạt được mục tiêu, bạn sẽ mất đi lượng dopamine cụ thể đó. Mục tiêu càng có ý nghĩa, thì sự cố có thể càng khó khăn hơn và bạn càng khó có thể tập trung lại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một yếu tố khác ảnh hưởng đến tâm trạng - yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não (BDNF) - đã giảm xuống dưới mức cơ bản ba ngày sau khi chạy marathon. Tuy nhiên, cũng chính các nhà nghiên cứu đó phát hiện ra rằng, trung bình, tâm trạng của các VĐV marathon vẫn được cải thiện ba ngày sau cuộc đua. Ngoài ra, Astrid Roeh, thành viên nhóm nghiên cứu này, cho biết: "Những thay đổi trong BDNF sẽ mất nhiều thời gian hơn để ảnh hưởng đến tâm trạng".
Hoạt động não bộ của bạn vẫn chưa ổn định, nhưng có vẻ hợp lý khi cho rằng cảm xúc thất vọng sau cuộc đua có thể có nguyên nhân tương tự gây ra chứng đau nhức về thể chất: Cơ thể đang sửa chữa sự căng thẳng của nỗ lực chạy marathon.
Nghỉ ngơi
Nguyên nhân gây ra sự thất vọng về mặt cảm xúc rất phức tạp, nên không có giải pháp đơn giản nào để vượt qua nó. Lời khuyên chung là hãy đặt ra một mục tiêu khác. Benoit đã viết trong hồi ký rằng cô thường tập trung vào cuộc đua lớn tiếp theo càng nhanh càng tốt, nhưng điều đó thường không giúp ích được nhiều.
Có lẽ tốt hơn là nghỉ ngơi một thời gian. "Hãy thận trọng về việc bạn đăng ký tham gia một cuộc đua khác hoặc quay trở lại tập luyện quá nhanh", nhà tâm lý học thể thao Justin Ross cho biết. "Điều đó chỉ trở thành một bước nhảy lò cò trong việc xử lý những gì bạn vừa hoàn thành".
Các HLV chuyên nghiệp đồng tình với nhận định trên. "Những người cố gắng lập tức trở lại sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn", Begley nói. "Bạn cần nghỉ ngơi". Coogan đồng ý và nói thêm: "Hãy làm những điều bạn chưa thể làm. Hãy vui vẻ đi, hãy cố gắng trở nên bình thường". Rosario thì khuyên bạn nên đến Disneyland: "Hãy tránh xa thế giới chạy bộ, nuông chiều bản thân. Hãy cho bản thân thời gian để sự phấn khích đó quay trở lại một cách tự nhiên".
Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng và có thể gây ra vấn đề. Amy Cragg, cựu VĐV từng hai lần dự Olympic và hiện làm HLV ở Chapel Hill, Bắc Carolina, cho biết: "Chúng tôi vẫn có mục tiêu và ước mơ, nên thật vô lý khi nói đừng nghĩ về điều đó". Việc nghỉ ngơi có thể khiến bạn cảm thấy đang buông thả bản thân và mục tiêu của bạn ngày càng xa tầm tay.
Tiến sĩ Loretta Breunig, tác giả cuốn "Thói quen của một bộ não hạnh phúc", người cũng thường xuyên viết blog cho tờ Tâm lý học Ngày nay, gợi ý, thay vì không cố gắng nghĩ về các mục tiêu chạy bộ, hãy cố gắng mở rộng sự tập trung cho các mục tiêu không chạy bộ. "Sự đa dạng kích thích dopamine", cô nói, đồng thời cảnh báo rằng những mục tiêu mới phải mang lại cho bạn cảm giác tự hào.
Các runner tìm thấy ý nghĩa của việc chạy bộ, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải nghĩ về nó. "Hãy chú ý đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn", Stephanie Roth-Goldberg, nhà trị liệu tâm lý thể thao và người sáng lập Trị liệu Tâm lý Trực quan, gợi ý.
Duy trì sự chủ động là điều quan trọng với bất kỳ chiến lược nào và không chỉ vì nó sẽ giúp bạn cảm thấy như mình vẫn đang đạt được một số tiến bộ hướng tới mục tiêu cá nhân. Nếu có một nguyên nhân hóa học thần kinh nào khiến bạn cảm thấy chán nản, như việc bộ não của bạn đã quen với việc tập thể dục, thì bạn nên khắc phục bằng cách nào đó: chạy nhẹ nếu cơ thể bạn sẵn sàng, đạp xe, bơi lội, đi bộ hoặc đi chơi cùng bạn bè.
Không quá đề cao chạy bộ
Giữ quan điểm về cuộc đua của bạn có thể giúp bạn cảm thấy bớt lạc lõng hơn sau khi chạy marathon. "Hãy cố gắng tập trung vào những gì thực sự quan trọng", Jonathan Green - HLV của VĐV đoạt HC đồng Olympic Molly Seidel - nhấn mạnh: "Các cuộc đua là điều đặc biệt và bạn thực sự nên cố gắng tận hưởng chúng khi thi đấu, nhưng việc chạy chỉ là chân trái, chân phải, và còn có những thứ lớn lao hơn ngoài kia".
Theo Roth-Goldberg, các runner rất dễ dàng phóng đại tầm quan trọng của việc chạy bộ. "Họ đánh giá thấp các khía cạnh khác trong cuộc sống", cô bày tỏ. Các runner cần được nhắc nhở rằng chạy không phải là tất cả. "Chạy có thể là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn, nhưng nó không định nghĩa nên con người bạn", Rosario nói. "Nếu bạn nghĩ mọi thứ sẽ thay đổi nhờ cách bạn chạy, thì bạn đã nhầm".
Đôi khi bạn cần được nhắc nhở rằng giá trị cá nhân không chỉ nằm ở việc chạy bộ. Rosario thích trích dẫn câu nói của học trò Scott Fauble rằng "Con chó của bạn không biết bạn đã chạy marathon".
Đó là lời nhắc nhở có giá trị ngay cả đối với những chuyên gia như Fauble, VĐV Mỹ đạt thành tích tốt nhất tại Boston Marathon 2019, và càng quan trọng hơn với các runner nghiệp dự chạy vì niềm vui và theo đuổi mục tiêu cá nhân. Hãy trở thành người mà chú chó của bạn nghĩ, điều còn hơn cả VĐV chạy marathon.
Tính tập thể
Chạy marathon không chỉ là một trải nghiệm đơn độc, và các VĐV thường thiếu đi tính đồng đội trong quá trình tập luyện. "Mọi người thường không nhận ra rằng việc tập luyện có một phần kết nối xã hội", Roth-Goldberg nói.
Sau cuộc đua marathon, runner có thể cần phải dựa vào những người thân, gia đình hay bạn bè. "Những người có thể hỗ trợ bạn, như gia đình, vợ chồng, HLV cần phải sẵn sàng", Begley nói. Nhưng hãy kiên nhẫn nếu họ không hiểu tại sao điều vốn ám ảnh bạn lại không khiến bạn hạnh phúc.
Nếu các runner thực sự bế tắc sau một cuộc đua lớn, Begley khuyến khích họ tình nguyện tham gia các buổi tập luyện hoặc sự kiện của một CLB điền kinh, hoặc trở thành pacer (người dẫn tốc) trong các nhóm chạy hoặc giúp một người bạn tập luyện. Begley xem "những hoạt động tạo điều kiện cho cuộc đua" này sẽ giúp các runner thoát khỏi suy nghĩ của chính họ và xem xét lý do chạy bộ. "Suy nghĩ về việc giúp đỡ người khác có thể giúp bạn khám phá điều gì đó mới mẻ", cô bày tỏ.
Tiến sĩ Breunig nhấn mạnh không có giải pháp nào được đảm bảo sẽ hiệu quả, và những thăng trầm mà bạn trải qua sau khi chạy marathon là một phần tạo nên giá trị mỗi người. Sau khi chạy marathon, bạn có thể thấy mình ở một nơi tối tăm. Nếu vậy, hãy nhớ rằng đó không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối về tinh thần - cũng như việc không thể đi xuống cầu thang sau một cuộc chạy marathon là dấu hiệu của sự yếu đuối về thể chất. Cả hai đều là dấu hiệu của một nỗ lực chăm chỉ và trung thực.
Hãy cho bản thân thời gian để chữa lành cả về thể chất và tinh thần. Nếu tâm trạng của bạn có vẻ đặc biệt u ám hoặc khó thay đổi, hãy cân nhắc việc đến gặp bác sĩ trị liệu, giống như cách bạn tìm kiếm sự trợ giúp y tế cho một vết thương dai dẳng.
Cragg đã chuẩn bị cho sự thất vọng đó sau Rio 2016. "Tôi vẫn cảm thấy lạc lõng, nhưng ổn với điều đó", cô kể. Willis nói điều tương tự về tâm trạng sau khi dự Olympic và nhấn mạnh "có xu hướng cảm thấy sống động nhất khi hăng say làm việc hướng tới một mục tiêu".
"Và đó có lẽ là cách tất cả các runner được kết nối, khi tất cả đều cố gắng hướng về phía trước", trang Podium Runner bình luận. "Việc các runner tìm kiếm thử thách trong cuộc thi marathon cho thấy rằng bản chất là đặt ra mục tiêu và hết lòng theo đuổi nó. Nếu sau đó phải lang thang trong sa mạc cảm xúc một thời gian, đó có thể là cái giá họ phải trả để một lần nữa đến được miền đất hứa".
Hồng Duy (theo Podium Runner)