Sau bài viết Bị xem như kẻ vô hình vì 'khẩu chiến' về thịt chó với sếp, độc giả có nickname uydq88.icv ví von: Tác giả bài viết giống như người đi tàu điện ngầm đi làm. Còn sếp bạn và đồng nghiệp đang đi ôtô, xe máy. Ở Việt Nam, xe máy và ôtô riêng vẫn phổ thông. Phổ thông nhưng không thể hiện cái hay, cái tốt, chỉ là do thói quen của cả cộng đồng và những điều kiện cụ thể.
Ngày xưa Việt Nam rất đói kém, thịt gì cũng phải ăn, mà không bao giờ lo thừa đạm. Khi món ăn trở thành quen thuộc từ bé, thì nó đã thành bình thường, thậm chí nghiện. Bỏ là vô cùng khó, phải có đủ bản lĩnh. Giống như cai thuốc lá vậy. Bạn không nên phản ứng thái quá với mọi người. Mặc dù bạn có thể bày tỏ quan điểm của một một cách nhẹ nhàng tế nhị.
Bạn có thể đi nhậu cùng, và xin phép gọi thêm một món để ăn, chẳng ai ý kiến gì đâu. Còn việc bạn đi mua ngoài đường mang đến quán nhậu là không nên khi vào quán lại mang đồ ăn riêng.
Việc ăn thịt chó dần dần sẽ giảm và trở thành thiểu số trong 10-20 năm nữa, khi thế hệ trẻ em tiến bộ lớn lên. Chúng sinh ra trong no đủ, nhiều chất, và tình thương. Chúng cũng sinh ra trong xã hội công nghiệp mà quan hệ xã hội ít đi, sẽ thu về với gia đình và thú cưng. Và chúng sẽ từ bỏ món ăn thời đói kém.
Bên Hàn Quốc cũng rất giống Việt Nam, họ cũng là một quốc gia ăn thịt chó hàng đầu, nhưng sau khi công nghiệp hóa mạnh vài chục năm thì họ cũng đang bỏ dần và hạn chế thịt chó.
Đồng quan điểm, độc giả có nickname mthu.nala cho rằng một cá nhân tranh cãi về thịt chó với người khác trong thời điểm này là không cần thiết, mọi thứ sẽ thay đổi nhưng có phần chậm chạp:
Cảm thấy không hợp thì nên ngừng giao du với nhóm người đó. Tôi có một lần đã lẳng lặng chuyển việc vì chỗ công ty đó sếp là người thích ăn thịt chó, tôi cảm thấy không thể đồng hành được.
Nhưng cũng không khuyên sếp, chỉ từ chối thẳng các bữa ăn với lý do rất rõ ràng rằng em không ăn thịt chó, chứ không phân tích gì thêm. Tôi chưa bao giờ tiếc khi rời bỏ cơ hội công việc đó.
Phải nói thêm là mình vẫn có những người bạn gốc Bắc thuộc thế hệ F2, tức là hồi nhỏ ba mẹ cho ăn thịt chó, họ vẫn thấy ngon, mà sau này lớn lên họ tự giác không ăn nữa. Khi tôi đến chơi các gia đình đó và gặp lúc các ba mẹ bạn đang ăn thì cũng không ai tranh cãi qua lại làm gì.
Văn hoá ẩm thực luôn thay đổi chậm chạp, mặc dù tôi thuộc nhóm luôn mong ước không có chó bị ăn thịt nữa, nhưng tranh luận sẽ không đi đến đâu.
Độc giả có nickname Ác Mộng Chile cho rằng từ chối lời mời khi ai đó rủ đi ăn món mình không thích là câu chuyện về ứng xử:
Từ chối cũng là một nghệ thuật, nếu không muốn đi ăn cùng thì kiếm lý gì đó dễ nghe mà từ chối, mắc chi phải tranh luận rồi rao giảng thứ nhất, thứ hai, thứ ba về thịt chó ... làm gì?
Không chỉ về thịt chó, khi có bất đồng quan điểm với đồng nghiệp, với sếp... mà lựa chọn cách giải quyết đối đầu sẽ không tốt đâu. Tác giả đang bị người ta cô lập không phải vì vụ thịt chó, mà vì cách xử trí của bạn không khéo.
Người xưa nói "Học ăn học nói học gói học mở" cấm không có sai đâu. Bạn còn trẻ nên cần va chạm để hoàn thiện hơn. Câu chuyện của bạn thực chất là ứng xử chứ không phải là thịt chó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.