"Hội An là đô thị cổ, quý giá về nhiều mặt. Bảo tồn và khai thác luôn là một thách thức khi mọi tác động từ con người, xã hội, biến đổi khí hậu gây ngập lụt và sự xuống cấp do thời gian...
Tôi đồng ý với nỗi tiếc nuối về việc khai thác bờ biển khi các khu du lịch lấp đầy bờ biển. Nỗi buồn này không chỉ của riêng Hội An mà Nha Trang, Vũng Tàu cũng đang mạnh mẽ sửa sai để trả lại không gian bãi biển cho công cộng. Hội An cũng có thể làm vậy mà?".
Độc giả Kiên Pt6498bình luận như trên, sau bài phỏng vấn Chủ tịch TP Hội An, về chặng đã đi qua và những thách thức phía trước, sau 25 năm kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (4/12/1999), hiện bình quân mỗi ngày Hội An đón 2.000-5.000 lượt khách, cuối tuần gần 10.000 lượt.
Độc giả nickname dhlinhcd nhớ lại: "Trước đây, đường ven biển từ Đà Nẵng vào đến Cửa Đại có rừng phi lao xanh mướt, là lá phổi xanh, là thành trì vững chắc chắn bão giông, là những làng chài ven biển đậm chất truyền thống.
Nếu được, bây giờ vẫn chưa muộn. Các cấp nên rà soát lại quy hoạch, chỗ nào chưa phù hợp, chưa triển khai gì thì mạnh dạn thu hồi để phục dựng lại một chút thiên nhiên làm nơi công cộng".
Độc giả nguyenxuanhiep nhận xét: "Nhưng không có resort thì làm sao thu hút được lượng lớn du khách đến? Họ đến chơi cũng cần có những khu nghỉ ngơi xứng tầm.
Cơ quan chức năng thu thuế để chỉnh trang, bảo trì các công trình cổ, đường xá phục vụ du lịch. Cái gì cũng có hai mặt, hiện giờ vẫn đang làm quá tốt rồi".
Bài toán bảo tồn không gian ven biển không chỉ là vấn đề riêng của Hội An mà là câu chuyện chung của nhiều thành phố du lịch. Một số độc giả lấy ví dụ và cho rằng từ kinh nghiệm của Vũng Tàu, Quy Nhơn, Hội An hoàn toàn có thể học hỏi để tìm ra hướng đi cân bằng giữa bảo tồn di sản và khai thác du lịch bền vững.
Độc giả nickname antruong2882 gợi ý rằng có thể vừa phát triển vừa điều chỉnh quy hoạch: "Chỗ nào cần đền bù thỏa đáng thì thu hồi. Vì phát triển thì phải làm thôi. Xưa phát triển kiểu này, giờ không phù hợp thì quy hoạch lại, phát triển theo kiểu khác. Nhìn TP Vũng Tàu mà làm theo".
Lấy ví dụ cải tạo lại cảnh quan bờ biển ở Vũng Tàu, độc giả Người Nhà Quê nói: "Công nhận Vũng Tàu sửa sai hay thật, resort ven biển chỉ làm một phần phía Long Hải, Hồ Tràm. Ở TP Vũng Tàu thì mặt tiền biển làm khách sạn, còn bờ biển đang chỉnh trang thành khu vui chơi công cộng".
Độc giả dohoanggiang9979 cùng ý kiến: "Vũng Tàu - Bãi Sau đã và đang làm lại, toàn bộ là bãi tắm và công viên quảng trường biển. Không có bất cứ khách sạn, resort, nhà nghỉ nào nằm phía bãi tắm (tất cả phải ở bên kia đường). Bãi tắm công cộng cho cả du khách và người dân Vũng Tàu cùng sử dụng. Chắc chắn từ đây sẽ thu hút khách du lịch ngày càng nhiều".
Một số độc giả đánh giá cao về quy hoạch bờ biển của Quy Nhơn, Bình Định: "Quy Nhơn là thành phố biển đang phát triển rất mạnh. Họ có quy hoạch ven biển trung tâm rất hay. Hầu như có rất ít resort hay hàng quán nằm bên biển, thay vào đó là công viên rất thoáng mát, vẫn tạo được view biển đẹp", độc giả minhluan2210 nói.
Độc giả huy le quang: "Ở Quy Nhơn, bờ biển hình mặt trăng dọc theo thành phố là công viên ven biển, khu vui chơi công cộng. Không có chuyện resort khoanh vùng ôm hết biển. Chỉ có một số vị trí biển xa trung tâm thành phố và ít dân sinh hơn mới phát triển resort thôi".
Ông Nguyễn Văn Sơn chia sẻ tiếc nuối khi Hội An từng phát triển ồ ạt resort ven biển: - Vậy thay đổi nào khiến ông tiếc nuối nhất? - Những năm đầu mới manh nha phát triển du lịch, do chính sách trải thảm đỏ, Hội An thu hút rất nhiều doanh nghiệp về đầu tư. Điều này là tất yếu để phát triển du lịch. Nhưng lúc bấy giờ chúng ta chưa lường hết những tác động đến cảnh quan, môi trường. Hội An cho phát triển ồ ạt resort ven biển, chiếm hết mặt tiền hướng ra biển, làm mất đi tính truyền thống của các làng chài, hồn cốt của đời sống người dân bản địa. Những công trình đã hủy hoại rừng phi lao ven biển dẫn đến sạt lở nhanh hơn, dữ dội hơn, làm cho bờ biển Hội An đứt gãy nhiều chỗ. Trả giá cho việc này là giờ chính quyền phải làm kè giữ bờ biển. Nếu như trở lại được mấy chục năm trước, Hội An sẽ không cho phát triển ồ ạt resort ven biển, giữ lại những rặng phi lao, đồi cát phục vụ bảo tồn làng chài, cảnh quan môi trường. Một tiếc nuối nữa là Hội An bị chảy máu di sản do ảnh hưởng của quá trình phát triển du lịch, đô thị. Nhiều ngôi nhà cổ không còn chủ là người bản địa mà là người nơi khác đến mua, thuê lại. Nhà cổ có ba chức năng, gồm ở, thờ cúng và buôn bán. Song hiện nay nhiều ngôi nhà chỉ buôn bán, mỗi ngày 8h họ cho nhân viên đến mở cửa, 22h đóng cửa. Trước đây phố cổ ngày mùng 1 và 14 âm lịch nhà ai cũng cúng, mùi hương thoang thoảng, còn nay nhiều gia đình chỉ buôn bán nên không thờ cúng ông bà, mất đi hồn phố cổ. Nhà không có người ở dễ sinh ra cháy nổ. |
Hữu Nghị tổng hợp