Đọc nhiều bài viết, bình luận về chủ đề quỹ phụ huynh thời gian gần đây, tôi cũng muốn chia sẻ một chút góc nhìn của người trong cuộc. Tôi cũng đang là Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, đồng thời nằm trong Ban chấp hành hội phụ huynh của trường.
Qua quá trình công tác, tôi thấy vị trí này thực ra cũng nhàn, chứ chẳng ghê gớm, khổ sở như nhiều người vẫn nói. Mọi khó khăn và áp lực xét cho cùng đều là do tự bản thân mỗi người đặt ra, có thể do tính cầu toàn quá nên khổ.
Con tôi đang học trường công lập ở TP Thủ Đức, TP HCM. Mỗi lớp có sĩ số gần 45 em, do số lượng học sinh nhiều mà số lượng phòng học không tăng. Ở trường con tôi, gần 70% gia đình học sinh là hộ nghèo, khó khăn về kinh tế, vậy nên mỗi năm, việc kêu gọi ủng hộ đóng quỹ trường, quỹ lớp là một vấn đề được rất nhiều phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Cá nhân tôi cho rằng, bản chất các quỹ này không xấu. Vấn đề là tùy cách làm của mỗi trường, mỗi ban phụ huynh có minh bạch và rõ ràng hay không mà thôi. Nếu nhà trường, các ban đại diện cha mẹ học sinh luôn công khai các khoản dùng quỹ đúng thực chất, chi tiết và hợp lý, đem lại hiệu quả học tập cho các con thì tôi tin chẳng ai phản đối.
Tôi lấy ví dụ, quà cuối năm nhiều hay ít là tùy vào khả năng đóng quỹ trường của mỗi lớp và luôn trong tiêu chí tự nguyện, chứ không có mức cố định, bắt buộc chung cho tất cả. Ở trường con tôi, trung bình mỗi lớp đóng quỹ trường không tới bốn triệu đồng một năm, tức mỗi học sinh đóng không quá 100.000 đồng.
>> Trưởng ban phụ huynh năn nỉ đóng quỹ lớp 300.000 đồng
Quỹ nhiều thì cuối năm phần thưởng của các con được nhiều (thường không dưới năm cuốn vở), còn quỹ ít thì quà ít hơn. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ tiền sách và đồng phục cho một học sinh nghèo ở mỗi lớp. Ngoài ra, các chi phí khác đều thấp hơn các trường trong thành phố.
Trên tinh thần đó, quỹ lớp của con tôi cũng vậy, đóng góp trên tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc. Mỗi khi có hoạt động gì, tôi đều kêu gọi phụ huynh cùng chung tay, ai có điều kiện thì đóng góp tài chính, còn ai không có thì góp sức.
Ngày 20/11 vừa rồi, tôi còn đề xuất cho các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn có thể tự làm chung một món quà để tặng cô, chứ không cần tặng riêng quà vật chất. Thậm chí, tôi có thể hỗ trợ thêm cho các bé trong quá trình học để các con không bị lạc lõng với chúng bạn.
Còn những chi phí hỗ trợ khác như tân trang lớp học chủ yếu do những phụ huynh khá giả sẵn sàng đứng ra tài trợ. Tóm lại, nếu người đứng đầu ban phụ huynh có cái nhìn thấu đáo, suy nghĩ và hành động dựa trên quyền lợi của học sinh thì những chuyện lạm thu, lạm chi quỹ lớp sẽ không thể xảy ra.
- Phụ huynh đóng quỹ lớp 17 triệu nhưng chi cho việc học chỉ 1,3 triệu đồng
- Trưởng hội phụ huynh tuyên bố đóng quỹ lớp 1,3 triệu đồng
- 'Phụ huynh giàu chi phối quỹ lớp'
- 'Quỹ lớp trăm triệu nhưng chi không minh bạch'
- Khoản thu 'tự nguyện' không đóng không được
- Công bằng cho quỹ phụ huynh