Lại một năm không vui với bộ môn lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Môn lịch sử tiếp tục xếp chót bảng trong tổng số 9 môn thi, hơn 70% thí sinh có điểm dưới trung bình.
Năm trước, cháu tôi có học lực khá ở trường nhưng rớt tốt nghiệp vì môn lịch sử chỉ đạt 0,5 điểm, dù các môn còn lại đều trên 7 điểm khiến người thân trong gia đình thắc mắc. Sẵn dịp cháu vào TP HCM chơi để quên nỗi buồn thi rớt, hỏi thăm tôi biết cháu chán học môn lịch sử. Nghe cháu kể, ở trường trong tiết học môn lịch sử, cô giáo cứ chăm chú đọc giáo án cho học sinh ghi chép, nội dung dài lê thê, nào là những con số thương vong trong từng trận đánh, nào là số lượng vũ khí thu được của địch, nào là phải nhớ rất nhiều số liệu và ngày giờ tháng năm.
Cháu không thể nhớ hết, cảm thấy môn lịch sử như một gánh nặng trong thi cử. Vả lại, môn sử cũng không phục vụ gì cho nghề nghiệp sau này nên cháu cũng ít đầu tư hơn. Nghe cháu nói vậy, tôi giải thích cho cháu hiểu ý nghĩa môn lịch sử không chỉ dạy cho mình đạo đức, nhiều bài học quý, biết quá khứ để nỗ lực ở hiện tại rồi hướng đến tương lai tốt hơn mà còn cung cấp kiến thức về con người, văn hóa, địa lý.
Song, cháu nói rằng có cảm giác môn lịch sử dạy ở trường sao lý thuyết và khô khan quá!
Rớt tốt nghiệp là cú sốc với bản thân cháu và người thân trong gia đình. Cháu chia sẻ rằng thấy tiếc vì có số điểm khối A rất cao, dư sức trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, chỉ vì bị điểm liệt môn lịch sử nên đã rớt cả tốt nghiệp lẫn đại học. Song, tôi hỏi cháu rớt như vậy có oan ức không? Cháu trả lời: "Dạ không", vì chán môn lịch sử nên không đả động gì tới, không đầu tư công sức nên khi thi không làm bài được.
>> 'Nhiều phụ huynh thấy xấu hổ vì con mình chỉ được điểm 9'
Tôi hỏi cháu có biết di tích lịch sử nào ở TP HCM? Cháu trả lời: "Dạ không". Thế là tôi dành ra 2 ngày cuối tuần dẫn cháu đi tham quan các di tích lịch sử như Dinh Thống Nhất, Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo Tàng Chứng tích chiến tranh, Chợ lớn, Chợ Bến Thành, Địa đạo Củ Chi, Rừng Sác Cần Giờ... Tôi quan sát thấy cháu rất thích thú, chăm chú nghe thuyết minh và còn mua tài liệu về tìm hiểu thêm những di tích lịch sử đã đến.
Nhớ lại hồi còn đi học phổ thông, tôi từng có tâm trạng như cháu cảm thấy chán môn lịch sử bởi quá nhiều lý thuyết làm mình khó nhớ chi tiết từng con số, khó hình dung. Nhưng năm học lớp 12, môn sử cũng được chọn thi tốt nghiệp, thầy giáo đã giúp tôi thích môn sử bằng cách dạy thực tế và dễ hình dung. Thầy mô tả kiến thức lịch sử với hình vẽ minh họa, sơ đồ trong từng trận chiến, phạm vi địa lý cụ thể, giải thích ý nghĩa và bài học kinh nghệm rút ra, đặc biệt hơn nữa là những dẫn chứng sinh động và dẫn học sinh đi thực tế. Ví dụ, tiết học có nội dung địch thảm sát dân ta ở Sơn Mỹ làm thiệt mạng 504 người, thế là cuối tuần đó thầy dẫn lớp chúng tôi đi thực tế tới thôn Mỹ Lai thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, thầy kể các đơn vị lính Lục quân Hoa Kỳ đã thảm sát 504 dân thường ở đây không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Từ những ý nghĩa thực tế đó, một học sinh như tôi yêu thích môn sử lúc nào không hay.
Ở nước ta, hầu hết các tỉnh thành đều có di tích lịch sử, trong khi không ít học sinh chưa từng đến thăm viếng những di tích nơi quê mình không xa trường học là mấy. Thực trạng môn lịch sử trong trường học còn đơn điệu, khô khan nên chưa thể hiện hết hồn cốt dân tộc, ý nghĩa về lịch sử, bài học quý cho bản thân để truyền bá và tạo hứng thú cho người học. Kiến thức còn nặng về diễn giải, nhớ số liệu, học thuộc lòng đã gây áp lực cho học sinh. Cách dạy và học còn đơn điệu, khô khan khiến học sinh ngán ngẩm khi học lịch sử.
Nhiều học sinh chăm chú học những môn chính sao thi có điểm cao xét tuyển đại học như khối A chỉ tập trung vào các môn toán, lý, hóa nhưng thiếu quan tâm đến các môn khác. Lối học phiến diện xé nát kiến thức, không khắc phục sẽ khó tạo ra sản phẩm hoàn thiện. Điển hình là kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người bất ngờ bởi hàng ngàn điểm liệt và điểm dưới trung bình ở môn lịch sử, trong đó có cả học sinh được cho là khá giỏi.
Mục tiêu giáo dục, học phổ thông là trang bị những kiến thức phổ thông nhất cho học sinh phát triển toàn diện về tài, đức, chân, thiện, mỹ. Đây còn là nhiệm vụ của ngành giáo dục.
>> Tôi không hiểu học sinh học tích phân, lượng giác để làm gì?
Hãy tạo điều kiện giúp học sinh yêu thích môn lịch sử, biết tầm quan trọng của lịch sử dân tộc. Nên chăng, gắn kết hoạt động các di tích lịch sử với môn lịch sử ở trường học cũng là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc, vừa phát huy giá trị di tích lịch sử để giúp học sinh hiểu hơn về giá trị môn học, ngày càng yêu thích môn lịch sử. Trong tiết dạy và học, giáo viên định hướng cho học sinh tự giác chủ động, tăng khả năng làm việc theo nhóm, phương pháp dạy bổ sung những mô hình, hình vẽ, video.
Học là không bến bờ, nhiều kiến thức thiết thực mà ta chưa biết, cứ nghĩ phải học những gì phục vụ cho nghề nghiệp sau này thì khó hoàn thiện nhân cách lẫn trí tuệ. Đừng để học sinh bị khuyết kiến thức lịch sử, có thể khắc phục việc này, hãy bắt đầu từ nhà trường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây, hoặc về bandoc@vnexpress.net.