Xung quanh bài viết ‘Trường quốc tế’, độc giả chia sẻ quan điểm cho rằng trường công không hề thua kém về chất lượng đào tạo hay đạo đức giáo viên:
Thực tế, đến giờ tôi chưa thấy hiệu quả của trường quốc tế, các em chịu học phí cả trăm triệu mỗi năm nhưng không thấy hơn chúng bạn bất cứ thứ gì. Thứ tôi nghĩ các em hơn là có được tuổi thơ nhẹ nhàng, ít đèn sách, nhưng thực ra đó là lỗi của phụ huynh. Ngoài ra, các em có bạn bè trong môi trường có nhiều điều kiện, dễ giúp nhau về sau.
Nói về trường công, chỉ có nhược điểm là học nhiều quá, còn lại cũng không có gì đáng phàn nàn về chất lượng hay đạo đức thầy cô... (giáo dục đại học Việt Nam tụt hậu, chứ giáo dục phổ thông không hề kém nước nào). Việc chạy theo thành tích thực ra là do phụ huynh tạo áp lực lên ngành giáo dục, ngành giáo dục áp ngược lại thầy cô. Rất nhiều phụ huynh đòi hỏi vô lý là con mình cũng phải giỏi toán như con bạn trong khi năng khiếu của cháu lại là văn, sử.... Không thiếu những phụ huynh còn đi xin điểm để đủ học sinh giỏi toàn diện, cuối năm lại đi khoe khắp nơi và tự hào.
Nếu như cha mẹ không tạo ra những áp lực không đáng có như vậy thì thầy cô cũng không việc gì phải chạy theo thành tích. Và cả xã hội cũng không phải học thêm, học không phải để làm người mà học để "không thua bạn, thua bè".
Trái ngược với quan điểm trên, bạn Hưng Nghiêm lại có cái nhìn khác về môi trường giáo dục ở các trường quốc tế:
Cháu nhà tôi học trường quốc tế thực sự, điểm cơ bản nhất khoan nói về chuyên môn mà nói về mặt tính cách con người và môi trường. Họ thực sự đề cao tính trung thực, tự giác, kính trọng mọi người. So với các bạn trường công, tôi thấy con mình có gì đó "ngố" hơn hẳn. Cháu không biết nhiều câu nói tục, trong khi các bé lớp 2-3 trường công không biết có hiểu không nhưng nghe các cháu nói tôi cũng phải phát ngượng. Con nhà tôi cũng không biết nhiều trò ma lanh để lấy lợi về mình như một số bạn trường công ở khu chung cư mà nó chơi cùng.
Tuy nhiên, tôi lại thấy mừng vì con mình "ngố" như vậy bởi nó đúng với tuổi thơ của các con. Cho con đi học trường quốc tế, chúng tôi không cần nó thành ông này, bà nọ, không cần nó phải giỏi bon chen, mà chỉ cần sau này ra đời cháu tự lập được hoàn toàn. Đó là động lực để chúng tôi cố gắng, dù hoàn cảnh so với nhiều bố mẹ Việt, chúng tôi kém hơn nhiều.
Ở môi trường con tôi học, phụ huynh hoà đồng vui vẻ, chỉ mới bắt đầu lăn tăn khi phụ huynh Việt ở các trường quốc tế khác cho con chuyển sang có sự manh nha thể hiện độ hoành tráng: tặng quà giáo viên hậu hĩnh - những điều mà nhà trường không hề mong muốn. Tôi biết rất nhiều giáo viên trường con tôi học chỉ nhận nửa lương, nửa còn lại tặng cho các tổ chức từ thiện, họ làm giáo dục vì yêu nghề thực sự, đó là điều các trường trong nước giờ dần mai một.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.