Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, môn Lịch sử có số lượng học sinh đạt điểm cao rất hiếm hoi, tỉ lệ đậu rất thấp. Việc này làm cho xã hội lo lắng băn khoăn. Đã có rất nhiều câu hỏi đưa ra, nhiều bài viết và phỏng vấn các nhà sử học, thầy cô giáo dạy học môn sử rồi các em học sinh nhưng chung quy thì chỉ nói cái ngọn mà không nhìn thẳng vào sự việc, tìm ra nguyên nhân này là từ đâu, kết quả xấu này tiềm ẩn ở đâu?
Chúng ta cứ đổ thừa cái này, hoàn cảnh nọ đại loại như: Học sinh không thích học môn Lịch sử, chương trình sách giáo khoa quá nặng, quá khô khan, giáo viên dạy môn Lịch sử không dạy thêm được nên thu nhập sẽ ít và cuộc sống rất nghèo từ đó đa số học sinh không chịu khó học môn này mà chỉ "đổ bê tông" mấy môn Toán, Lý, Hóa, Văn. Nguyên nhân ấy theo tôi thì nó xuất phát từ các yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất : Sách giáo khoa tuy viết khô khan, dài, nặng nhưng theo tôi thì người dạy môn này chỉ cần dạy những điểm chủ yếu, soạn bài giảng nhấn mạnh vào trọng tâm của thời kỳ đó, nội dung quan trọng của hiệp ước, của trận đánh thì học sinh sẽ hiểu được cốt lõi, hiểu đúng chân lý của lịch sử qua từng thời kỳ, từng giai thoại, nhân phẩm đạo đức của anh hùng, vĩ nhân. Từ đó học sinh sẽ hiểu bài tại lớp và sẽ yêu thích môn học này.
Học sinh có thể chọn anh hùng lịch sử là thần tượng để học tập và phấn đấu noi theo. Đằng nay vì chạy theo thành tích nên giáo viên phải bưng hết những gì khô khan vào lớp học thì hỏi học sinh làm sao hiểu hết được. Người dạy môn Lịch sử lòng khô héo với bao lo toan tiền nong, gạo cháo nên cố gắng đạt thành tích để cải thiện cuốc sống gia đình thì dù sách hay cũng trở nên khô khan huống hồ sách giáo khoa đã nặng thì e là càng nặng hơn.
Ví dụ: Sách giáo khoa lớp năm có bài viết về ông Trần Thủ Độ, có đoạn ghi ông là chú của vua... Rồi sách bỏ ngỏ, không nói thêm là vua nào, thì làm sao học sinh lớp năm biết được. Giá như giáo viên dạy và nói thêm là chú của vua Trần Cảnh (hiệu là Trần Thái Tông), nhưng có lẽ vì thành tích thì chỉ dạy cho học sinh biết tới đó là đủ lắm rồi.
Thứ hai: Gia đình như không quan tâm đến các môn học xã hội của con cái, chỉ lo đổ nền tảng là Toán, Lý, Hóa rồi cơ bản là tiếng Anh phải bằng Toffel, Toeic để du học, Tin học thì phải là chứng chỉ A, B để được cộng điểm thi tốt nghiệp. Còn đâu thì giờ mà các em học mấy môn xã hội Sử, Địa, Giáo dục công dân, xưa nay được cho là môn phụ.
Đây là điều chúng ta nên lo lắng và tìm cách tháo gỡ, vì học sinh chỉ lo mấy môn này để trở thành nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ. Không hiểu biết về lịch sử dân tộc, không có kiến thức hiểu biết về lịch sử thì sẽ mất khái niệm sống mình vì mọi người, mọi người vì mình và chỉ lo làm giàu cho bản thân, gia đình, gia tộc họ hàng mà sẽ quên đi cội nguồn, lòng yêu nước, yêu dân tộc bị xói mòn theo năm tháng.
Để tạo mặt bằng cho các em học sinh học nhiều môn hơn, cần đưa ra lộ trình cải cách một cách thấu đáo là giảm tải chương trình học xuống sao cho vừa tầm với sự phát triển của học sinh ở các lứa tuổi khác nhau.
Thứ ba: Chúng ta thiếu các phim ảnh nói về lịch sử của dân tộc từ cổ tới kim để học sinh xem và biết thêm về lịch sử. Chúng ta nên làm các phim lịch sử một cách trung thực để ca ngợi về lịch sử hào hùng của dân tộc, các trận đánh lừng danh thế giới như: Ba lần chiến thắng quân Nguyên của Trần Hưng Đạo, Chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa thần tốc của vua Quang Trung, chiến thắng lừng lẫy năm châu Điện Biên phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp....
Thứ tư: Môi trường giáo dục đang bị ảnh hưởng nặng bởi các phương tiện giải trí của thời công nghệ số. Học sinh cấp một thích dùng điện thoại di động, nhắn tin, chơi game hơn là đọc sách vở tham khảo. Thời gian rảnh thì tìm cách moi tiền ba mẹ để đi chơi game thay vì vào thư viện tìm sách vở để đọc.
Kết quả chuyện học sinh không thích học môn Lịch sử đã được dự báo từ lâu lắm rồi, mũi kim về chất lượng học sinh kém các môn xã hội đang âm thầm làm đau đầu của những nhà giáo tâm huyết ở Việt Nam. Đã đến lúc toàn xã hội cần phải tìm lời giải cho bài toán "Tại sao học sinh không thích học và thi môn lịch sử?".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết cho trang Ý kiến tại đây, hoặc qua email bandoc@vnexpress.net