Học sinh ở Sài Gòn quỳ gối trước cha mẹ trong ngày ra trường là hình thức mang ý nghĩa tốt đẹp nên được ủng hộ và phát huy. Những hoạt động, một buổi lễ cho dù có mang tính hình thức, nhưng mang ý nghĩa tốt đẹp, tính giáo dục nhân cách cao, hướng thiện thì rất cần được ủng hộ và phát huy. Nhất là trong bối cảnh giá trị đạo đức của con người, của xã hội đang bị xem nhẹ, xuống cấp, đôi khi còn bị đảo lộn. Hình ảnh các em quỳ gối trước cha mẹ làm bản thân tôi rất xúc động.
Là một người cha, từ tận đáy lòng tôi rất muốn sau này con mình lớn lên được ăn học, đạo đức được trao dồi, để mai này khi trưởng thành sẽ là một người sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nhưng để được như vậy thì không dễ chút nào, không thể miệng nói mà có tác dụng ngay được, không thể dạy ngày một ngày hai mà thành được. Vì sao?
>> 'Đại học Việt Nam không kém nhưng kiến thức dạy quá cao siêu'
Xã hội ngày nay thông tin đầy rẫy cái xấu, chúng bủa vây khắp nơi. Giá trị gia đình bị xem nhẹ, cách dạy con cũng thay đổi cho theo kịp "thời đại" là "phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, tự lập, tự..." Nói chung là tự nhiều lắm, nhưng quên là phải "sống có đức thành quả mới lâu bền", "sống vì người tiếng tốt mới đi xa".
Vì những mục tiêu dạy con và định hướng tuổi trẻ có khác ở trong gia đình và xã hội nên mới hình thành nên những hoạt động như: sinh hoạt diễn đàn trẻ em, trại hè ước mơ hồng, học kỳ quân đội, khóa tu tuổi trẻ... trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách cho tuổi trẻ thời nay.
Tôi cảm nhận rằng, các thầy cô muốn nhắc các em biết một điều rằng "mình còn có người cần phải tôn trọng và biết ơn", chẳng lẽ như vậy là sai? Tôi thầm nghĩ "không có những hạt mưa ngâu làm sau mà nước thấm sâu vào đất?", những hình thức tuy chỉ đơn giản nhưng đối với những tâm hồn mới lớn kia là cả một bài học nhân cách mà một người đôi khi đã 80, 90 tuổi vẫn chưa học được.
>> 'Kiến thức phổ thông chắp cánh cho sáng chế, không phải đánh đố để thi cử'
Riêng cá nhân tôi còn muốn đề xuất trường sẽ tổ chức một buổi lễ "rửa chân cha mẹ" nữa kìa. Vì sao vậy? Vì khi một người có trong đầu một suy nghĩ "dám bỏ qua cái tôi bản thân để học một bài học về hiếu đạo" thì rất đáng, qua buổi lễ, những hành động đó sẽ còn giữ lại trong lòng các em mãi về sau - một kỷ niệm đẹp, kỷ niệm thực hành làm một người con hiếu thảo.
Để sau này, khi một đứa trẻ 17, 18 tuổi vẫn còn có thể mở lời nói "cảm ơn", "xin lỗi", "con yêu ba mẹ"... thì rất cần những hình thức tương tự và xã hội khi nhìn vào phải lên tiếng ủng hộ.
Tôi có hai đứa con gái và sau này khi con tôi lớn lên, chọn bạn đời của riêng mình, tôi cũng sẽ nêu ra một điều kiện rằng người con trai đó phải là người có hiếu và sống biết ơn. Vì người có hiếu mới đúng thật là một con người, người biết ơn mới thật sự là một người giàu có.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.