Vladlen Tatarsky, tên thật là Maxim Fomin, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch của Nga nhằm vào Ukraine. Trước khi thiệt mạng vì vụ nổ trong quán cà phê ở St. Petersburg hôm 2/4, blogger này thường xuyên kêu gọi giới chức Nga tiến hành chiến tranh tổng lực và bày tỏ ủng hộ mạnh tay sử dụng vũ lực đối với lực lượng Ukraine.
"Chúng ta sẽ đánh bại và hạ tất cả, chúng ta sẽ thu chiến lợi phẩm từ bất cứ ai chúng ta muốn, mọi thứ sẽ diễn ra theo ý chúng ta", Tatarsky nói sau khi Nga công bố quyết định sáp nhập 4 tỉnh Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson hồi tháng 10/2022.
Fomin sinh năm 1982 tại Makiivka, tỉnh Donetsk, Ukraine và từng làm công nhân khai thác than ở vùng Donbass. Năm 2011, anh này bị kết án tù vì tham gia cướp ngân hàng.
Khi Fomin đang thụ án, giao tranh bùng phát giữa quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở Donbass. Fomin sau đó vượt ngục, gia nhập lực lượng ly khai rồi trở thành blogger và chuyển tới Moskva sinh sống.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, Fomin tuyên bố gia nhập tiểu đoàn tình nguyện tham chiến ở Mariupol. Fomin tham gia nhóm blogger với quy mô nhỏ nhưng có sức ảnh hưởng nhất định, thường xuyên đăng thông tin về chiến sự tại tiền tuyến hoặc bình luận về những đợt tiến công tiềm năng.
Dù vậy, nhóm blogger này cũng gây tranh cãi khi chỉ trích gay gắt giới lãnh đạo quân đội Nga, cho rằng các chỉ huy "hoạt động kém hiệu quả", không quan tâm tới sinh mạng quân nhân trên mặt trận Ukraine.
Trên Telegram, họ thường truyền tải những thông điệp cứng rắn, nhận định Nga "quá do dự" và kêu gọi phát động chiến tranh tổng lực với Ukraine lẫn phương Tây.
Tatarsky liên tục kêu gọi truy tố các chỉ huy Nga với nhiều lý do, trong đó có quyết định rút khỏi thành phố Kherson vào năm ngoái hoặc không nỗ lực hết mình trong huấn luyện và trang bị cho quân nhân được triệu tập theo lệnh động viên.
Tatarsky cũng từng kêu gọi ám sát Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi ông tới thăm Kherson hồi năm ngoái. "Chúng ta phải phát động chiến tranh tổng lực hoặc sẽ thất bại", blogger này viết.
Một số blogger quân sự Nga chế giễu Tatarsky phóng đại câu chuyện về thời gian tại ngũ. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko lại ca ngợi blogger này và gọi anh là "phóng viên chiến trường".
"Vladlen đã viết sự thật một cách đơn giản và sáng rõ. Đó là lý do cậu ấy trở thành mục tiêu của kẻ thù, những kẻ lo sợ sức mạnh tinh thần và ý chí của chúng ta", Matviyenko phát biểu. "Cậu ấy đã giúp mọi người hiểu về chiến dịch quân sự đặc biệt và tôi tin chắc rằng cậu ấy đóng góp rất nhiều cho chiến thắng tương lai".
Truyền thông phương Tây đánh giá Tatarsky là "mục tiêu dễ bị nhắm tới" khi lộ mặt, có sức ảnh hưởng lớn và không được bảo vệ như quan chức chính phủ hay quân nhân Nga.
Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga cáo buộc chính phủ Ukraine thông đồng với nhóm ủng hộ thủ lĩnh đối lập Nga Alexey Navalny để thực hiện vụ tấn công, đồng thời mô tả vụ đánh bom là "cuộc tấn công khủng bố".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay các blogger như Tatarsky "là những người bảo vệ sự thật" và chỉ trích phương Tây không nhanh chóng phản ứng với vụ đánh bom. "Các nhà báo Nga luôn phải đối mặt với mối đe dọa từ Kiev", bà Zakharova đăng trên Telegram, dường như cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công.
Trong khi đó, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho rằng vụ đánh bom là "cuộc đấu chính trị trong nội bộ Nga", nhưng không đưa ra bằng chứng ủng hộ tuyên bố này.
Tatarsky tham gia sự kiện công khai ngày 2/4 tại quán cà phê ở St. Petersburg. Daria Trepova, người phụ nữ bị nghi mang bom tới sự kiện, được cho là còn "nói đùa" với Tatarsky rằng trong bức tượng mà cô này trao cho anh có thiết bị nổ tự chế trước khi nó kích hoạt. Ủy ban Điều tra Nga sau đó thông báo đã bắt Trepova.
Tatyana Stanovaya, một chuyên gia về chính trị xã hội Nga, nhận định vụ đánh bom tại St. Petersburg cho thấy những người ủng hộ chiến dịch của Moskva như Tatarsky "dễ bị tổn thương thế nào".
"Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các vụ tấn công khủng bố như vậy diễn ra thường xuyên hơn và chắc chắn trở thành một yếu tố gây bất ổn", bà Stanovaya nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/4 ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Dũng cảm cho Fomin vì "đã thể hiện sự can đảm và gan dạ khi thực hiện nhiệm vụ".
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)