Phát biểu tại hội nghị Chính phủ với các địa phương, chiều 5/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho hay sau khi Quốc hội họp xong kỳ họp bất thường, xem xét một số nội dung trong đó có dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ đồng loạt làm việc với các địa phương để có sự phối hợp tốt nhất trong triển khai.
"Chúng tôi cố gắng trong năm 2022 thực hiện xong tất cả các thủ tục đầu tư, để dành thời gian 3 năm còn lại tập trung thực hiện các dự án trọng điểm", ông Thể nói, đề nghị địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng.
Báo cáo Quốc hội hôm qua (4/1), ông Thể nói toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, trong đó đã đưa vào khai thác 478 km; đang đầu tư 829 km; còn lại 756 km chưa đầu tư.
Chính phủ đề nghị đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập. Đoạn còn lại 27 km gồm Hòa Liên - Túy Loan sẽ được triển khai theo dự án riêng; cầu Cần Thơ 2 được đầu tư sau năm 2025. Tổng mức đầu tư 12 dự án khoảng 146.990 tỷ đồng.
Theo ông Thể, một số dự án giao thông trọng điểm kéo dài nhiều năm đã được giải quyết trong năm 2021. Đơn cử như khắc phục hư hỏng mặt cầu Thăng Long; cải tạo hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài; đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại. Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020 và các dự án trọng điểm khác đều đang bám sát tiến độ Quốc hội và Chính phủ giao.
Trong năm qua, lần đầu tiên ba cảng container của Việt Nam nằm trong top 50 cảng biển hiệu quả nhất thế giới, gồm Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh) xếp ở vị trí 46; cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) vị trí 47 và Cái Mép (Vũng Tàu) vị trí 49 . "Đây là minh chứng cho thấy ngành hàng hải Việt Nam phát triển đột phá", ông Thể nói.
Bộ trưởng Thể cho hay, năm 2022, ngành giao thông xác định tập trung khôi phục vận tải, vì không có vận tải thì không thể vận chuyển hàng, không thể phát triển kinh tế. Bộ cũng sẽ tập trung vào cải cách thể chế, xây dựng năm đề án về phân cấp, phân quyền, trong đó có phân quyền cho các địa phương quản lý cảng vụ đường thủy nội địa.
Hoàng Thùy - Viết Tuân