Đầu tháng 8, một kiều bào sống ở Australia liên hệ Ủy ban MTTQ TP HCM tặng 6 máy thở xâm nhập đã qua sử dụng. Máy còn mới 80%, đang trong thời hạn bảo hành, do Mỹ sản xuất với tổng trị giá gần 1,7 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu cho hay, lúc đó đợt dịch thứ tư ở thành phố vào hồi cao điểm. Hàng chục nghìn bệnh nhân đang điều trị, hàng nghìn ca bệnh nặng phải thở máy. Với kinh phí hiện có, người tặng có thể mua 3 máy mới nhưng vì quá sốt ruột nên chuyển sang tặng 6 máy đã sử dụng với hy vọng giúp nhiều người hơn.
Tuy nhiên, theo quy định các máy thở đã sử dụng là hàng hóa cấm nhập khẩu. Bộ Y tế chỉ cấp giấy phép nhập trang thiết bị y tế tương tự với mục đích nghiên cứu, đào tạo, không thực hành trên người. Thành phố đã có văn bản gửi Chính phủ xem xét nhưng Bộ Y tế tham mưu không đồng ý.
"Đến nay 6 máy thở này vẫn 'đắp chiếu' ở cảng. Người tặng rất buồn vì sự giúp đỡ của họ đã không đến được người dân lúc cần", bà Châu nói.
Sự việc tương tự khi một tổ chức Hàn Quốc tặng thành phố 20 xe cứu thương sản xuất từ năm 2015. Song quy định hiện hành chỉ cho phép nhập xe sản xuất từ năm 2019 nên phía mặt trận phải từ chối tiếp nhận dù thời điểm tháng 7-8 các cơ sở y tế ở thành phố thiếu xe cứu thương.
Không chỉ gặp khó khăn về thiết bị y tế đã qua sử dụng, hàng hóa do các tổ chức, cá nhân viện trợ cho thành phố như thuốc men, thực phẩm chức năng cũng gặp trở ngại về thủ tục. Hiện, mặt trận TP HCM bị "kẹt" ở cảng Cát Lái 22.000 hộp sữa cho trẻ em do kiều bào sống ở Australia và 4.000 lọ vitamin D do kiều bào ở Mỹ gửi tặng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM nói cán bộ của mặt trận không phải là người có chuyên môn về xuất nhập khẩu, người tặng cũng "nghiệp dư", không nắm rõ quy định về hàng hóa cấm, được phép. Mỗi lô hàng tiếp nhận về, cán bộ phải tìm hiểu rất nhiều quy định, hỏi ít nhất 3-4 cơ quan.
Ví dụ nếu hàng tặng liên quan đến sữa, cán bộ MTTQ phải hỏi Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vì là sản phẩm chế biến từ động vật. Sau đó, mặt trận có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) để xin ý kiến; xe cứu thương phải xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải...
Theo bà Châu, là hàng hóa được biếu, tặng nhưng vượt định mức miễn thuế nhập khẩu, bên nhận phải nộp thuế phần vượt. Lúc này hàng viện trợ lại liên quan thủ tục thuế, rất tốn thời gian, trong khi "chống dịch như chống giặc", người dân khó khăn cần hàng viện trợ từng ngày, từng giờ.
"Tốn rất nhiều công sức, lọ mọ từng tờ khai hải quan nhưng cuối cùng cả tháng rồi hàng vẫn nằm ở cảng, không biết còn sử dụng được không", bà Châu nói và cho biết liên quan 22.000 hộp sữa, tối 9/11 Cục Hải quan TP HCM đã liên hệ, đề nghị Mặt trận thành phố đến nhận lô hàng về bảo quản trước và hoàn tất hồ sơ an toàn thực phẩm sau.
Tuy nhiên, cơ quan này không thể nhận bởi với hàng hóa như thực phẩm chức năng, sữa, Mặt trận TP HCM không có kho bãi bảo quản đúng tiêu chuẩn. Thông thường khi tiếp nhận hàng lương thực và thực phẩm, cơ quan này phải phân phát ngay cho người dân để bảo đảm chất lượng, tránh hư hỏng.
Trả lời VnExpress, lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM cho hay, theo Luật An toàn thực phẩm, hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Do đó, lô hàng hơn 22.000 hộp sữa mà kiều bào Australia viện trợ cho trẻ em mới gặp nhiều vướng mắc.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, dịch còn dài, thời gian tới còn có nhiều tổ chức, cá nhân gửi hàng viện trợ cho người dân thành phố. Vừa qua, Mặt trận TP HCM có rất nhiều văn bản đề nghị chính quyền thành phố gửi Chính phủ, các bộ ngành tháo gỡ nhưng mọi việc vẫn không thông. "Không thể một lô sữa gửi về lại đi gửi công văn cho mấy nơi", bà Châu nói.
Lãnh đạo Mặt trận TP HCM đề nghị Chính phủ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể với từng nhóm hàng và yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan cùng tham gia giải quyết. Điều này nhằm tránh tình trạng khi mặt trận gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan né tránh với lý do "việc này không phải của tôi".
"Nếu hàng viện trợ là vật tư y tế, thuốc men, thực phẩm chức năng, Sở Y tế TP HCM và cơ quan của Bộ Y tế phải có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn khâu nhập khẩu cùng những vấn đề liên quan", bà Châu nói.
Ở đợt dịch thứ tư, Ủy ban MTTQ TP HCM được giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận hàng hóa, thiết bị và kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Từ tháng 7 đến nay, đơn vị đã nhận hơn 200 lượt hỗ trợ tiền mặt, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trị giá hơn 2.700 tỷ đồng, giúp thành phố phòng, chống Covid-19.
Lê Tuyết - Thi Hà