Trả lời:
Trong thời gian mắc Covid-19, virus gây tổn thương các tế bào lớp niêm mạc đường hô hấp, để lại sẹo. Sau khỏi bệnh, tổn thương này vẫn dễ kích thích, gây ra những cơn ho. Bên cạnh đó, một số người sau mắc Covid-19 bị viêm họng, trào ngược dịch dạ dày, hậu quả của việc dùng thuốc trước đó... cũng có thể gây ho.
Nhiều người ho kéo dài, lo lắng bệnh trở nặng nên tự ý uống kháng sinh điều trị, là hoàn toàn sai lầm. Trước hết, thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus. Lạm dụng kháng sinh sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do virus tấn công. Ngoài ra, dùng không đúng sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng. Một số kháng sinh tác dụng phụ ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em dưới 12 tuổi.
Thay vào đó, bạn có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược giảm ho.
Với triệu chứng ho khan, có thể lúc này cơ thể vẫn còn virus, nhiễm virus đường hô hấp khác hoặc ho do dị ứng, khói thuốc, hóa chất... Cách xử lý là dùng giảm ho bổ phế, thuốc chống dị ứng thế hệ cũ như alimemazine, diphenhydramin (theralene hoặc benadryl hay các loại có thành phần tương tự).
Bệnh nhân lo lắng, mất ngủ, suy nghĩ nhiều... có thể làm tăng tiết acid dạ dày, rối loạn co thắt dạ dày thực quản, cũng gây ho khan. Trường hợp này cần dùng kháng acid để trung hòa dịch vị dạ dày, thuốc an thần nhẹ để giảm lo lắng, căng thẳng.
Triệu chứng ho có đờm có thể do viêm phế quản, viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn. Các trường hợp này phải được bác sĩ khám và chỉ định dùng kháng sinh, thuốc long đờm (thường dùng loại ambroxol), bạn không nên tự ý dùng. Ho có đờm có thể do các bệnh phổi khác như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản... Bạn cần đi khám chuyên khoa hô hấp để được xử lý triệt để.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng