Hỏi bác sĩ

Tất cả Mới nhất Quan tâm nhất

Con em 4 tuổi, sau khi bị Covid-19 thì cháu ho kéo dài 2 tháng. Em đã đưa cháu đi khám và uống thuốc rất nhiều nhưng không dứt điểm, cháu cứ bị ho đi ho lại nhiều lần. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có sao không? Có cách nào trị dứt điểm ho cho cháu không ạ?

Huỳnh Thị Qua Lý

Em bị hiện tượng thở nông, nhiều lúc như bị ngưng thở và không thể thở sâu được nên rất khó chịu. Xin hỏi bác sĩ, đây có phải là triệu chứng hậu Covid-19 không? Tình trạng này có nguy hiểm lắm không ạ?

Do em đang công tác ở nước ngoài chưa thể về nước để thăm khám ngay. Mong bác sĩ chia sẻ giúp em cách khắc phục cách chữa trị tạm thời với ạ. Cảm ơn bác sĩ và chương trình!

Nguyen Quoc Phong

Tôi nhiễm Covid-19 từ 19/4/2022, có ho mạnh kéo dài 1 tháng, toàn cơ thể mệt mỏi, đau nhừ xương khớp, đặc biệt đầu ngón tay, chân khi co bị đau buốt. Xin hỏi bác sĩ phương pháp nhanh phục hồi. Cảm ơn bác sĩ!

Hà Thị Sửu

Em bị Covid-19 ngày 31/12/2021, hết bệnh đến nay đã hơn 4 tháng nhưng hiện ngón tay út tay trái vẫn còn tê. Vậy em cần phải uống thuốc gì, hay đi bệnh viện nào để khám. Mong bác sĩ hướng dẫn giúp em. Xin cảm ơn bác sĩ!

thanhtoan090485

BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Tê bì là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong các bệnh lý cơ xương khớp hoặc thần kinh, thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày. Nguyên nhân của tình trạng này có thể đến từ bệnh lý của hệ xương khớp hoặc bệnh lý thần kinh, hoặc cũng có thể là biến chứng của tổn thương thần kinh do bệnh lý chuyển hóa khác, ví dụ như đái tháo đường.

Bạn cần lưu ý triệu chứng của mình nếu đã kéo dài, không cải thiện hay diễn tiến ngày càng nặng hơn thì cần đi khám, thực hiện các cận lâm sàng cần thiết nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Bạn có thể đăng ký đến khám chuyên khoa Nội cơ xương khớp hoặc chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được tư vấn kỹ hơn. Thân mến!

Bố tôi 95 tuổi bị Covid-19, đã vào viện điều trị và về nhà. Ông ra viện hai tuần nhưng người hay mệt về chiều và không muốn ăn. Hậu Covid-19, ông bị khó thở, huyết áp cao. Bác sĩ cho hỏi, có thuốc bổ loại gì để ông nâng cao sức khỏe và ăn uống được tốt hơn ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Quang Vinh

ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, BS Trưởng Nutrihome Lê Đại Hành, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Chào bác. Ông nhà đã lớn tuổi nên khi mắc Covid-19 sẽ hồi phục chậm hơn đa số mọi người. Thông thường, các triệu chứng mệt mỏi sau Covid-19 có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Về vấn đề dinh dưỡng và phục hồi sau Covid-19, chúng ta cần một chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Để cải thiện cảm giác thèm ăn thì cần chia nhỏ bữa ăn, chọn bữa ăn có các món dễ tiêu hóa và dễ hấp thu, phối hợp với các bữa ăn nhiều mùi vị và màu sắc để kích thích ăn uống. Về vấn đề thuốc bổ, ông nhà có thể dùng thêm các vitamin tổng hợp, một ít men tiêu hóa. Các loại thuốc chuyên sâu hơn thì cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Thân mến!

Trước đây tôi có triệu chứng hồi hộp và bồn chồn, nhưng từ khi mắc Covid-19 xong tôi thấy triệu chứng đó lại nặng nề hơn. Nay đã khỏi hơn tháng, tôi vẫn có triệu chứng bồn chồn, tư duy không được như trước đây nữa. Người cứ trong trạng thái như muốn ngủ và ngủ không muốn dậy. Ở phần ngực có lúc thì khó thở và mắc nghẹn, có lúc thì hồi hộp, lúc thì bứt rứt khó chịu và cứng cổ, tê đầu. Người trong tình trạng nóng lạnh bất thường và cứ lờ đờ không tỉnh táo. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!

Tran Thi Bich Hao

Tôi bị Covid-19 đã khỏi được 2 tháng. Nhưng một tuần nay tôi bị đau mấy đốt sống cổ, rất buốt, cử động khá khó khăn. Xin hỏi bác sĩ triệu chứng của tôi có phải là hậu Covid-19 không, cách chữa trị như thế nào, mong bác sĩ tư vấn giúp. Tôi xin cảm ơn!

Phạm Thị Miển

ThS.BS Trần Xuân Anh,

Chào chị, theo miêu tả của chị, bác sĩ nghĩ rằng có thể chị đã bị thoái hóa cột sống cổ gây co thắt cơ. Đây là tình trạng sức khỏe phát triển từ sự hao mòn của sụn và xương ảnh hưởng đến các khớp và đĩa đệm ở cột sống cổ. Bệnh có khả năng biến chứng thành mạn tính gây nên tình trạng cứng khớp, làm suy giảm khả năng vận động, yếu cơ, khó cầm nắm đồ vật... Bệnh có thời gian phát triển khá dài, nên không phải là triệu chứng hậu Covid-19.

Trước khi xác định phương án điều trị, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh để loại trừ các tình trạng tiềm ẩn khác điển hình như đau cơ xơ hóa và xác định mức độ nghiêm trọng. Phương án điều trị thoái hóa cột sống cổ bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật và vật lý trị liệu.

Chị nên trực tiếp đến các bệnh viện có chuyên khoa cột sống hoặc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để chúng tôi có thể đánh giá chi tiết và có những lời khuyên cụ thể hơn cho chị nhé.

Chúc chị nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Con mắc Covid-19 đến nay đã hơn 2 tháng. Khi mắc bệnh, con chỉ có biểu hiện đau rát họng và khó thở. Nay đã khỏi nhưng con lại mất ngủ, khó thở về đêm. Ban ngày làm việc thì hụt hơi, thở gấp tim đập nhanh và còn chóng mặt, nôn và chán ăn. Thi thoảng còn tức ngực dẫn đến ho. Thật sự rất mệt mỏi, mong bác sĩ tư vấn giúp ạ!

Nguyễn Thị Giang

BS.CKII Trần Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn!

Triệu chứng của bạn nghe qua có vẻ rất giống với triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên khi tiếp cận vấn đề của bạn, chúng ta không nên áp đặt ngay các triệu chứng đó là do tổn thương của Covid-19.

Covid-19 gây tổn thương cho cơ thể thông qua 2 con đường. Một là do sự nhân lên, tăng sinh của virus dẫn đến sự tấn công trực tiếp của virus vào các tế bào của cơ thể, gây tổn thương các cơ quan như phổi (cơ quan chủ yếu bị ảnh hưởng), tim, thận, gan, thần kinh... Hai là do cơ thể chúng ta sinh ra các đáp ứng miễn dịch đối với virus, từ đó chính hệ miễn dịch của cơ thể làm tổn thương các cơ quan của cơ thể. Ngoài ra, các bất thường của người bệnh Covid-19 còn có thể liên quan đến vấn đề tâm lý - xã hội (sự lo lắng quá mức, thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhân viên y tế và người thân...). Chính vì vậy, hội chứng hậu Covid-19 biểu hiện rất nhiều triệu chứng khác nhau.

Như vậy, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng mất ngủ, khó thở, hồi hộp tim đập nhanh... tiếp diễn ngay sau Covid-19, và các triệu chứng này giảm dần theo thời gian thì có thể chúng liên quan đến Covid-19. Bạn có thể đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra tim, phổi và các vấn đề liên quan để đánh giá mức độ và cho bạn hướng điều trị.

Trường hợp sau khi mắc Covid-19 từ 2 tháng, các triệu chứng mất ngủ, khó thở, hồi hộp, ho về đêm mới bắt đầu xuất hiện thì bạn nên cảnh giác với một bệnh lý khác (ví dụ như hen suyễn). Dù tình huống nào thì nếu các triệu chứng kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống và tình trạng sức khỏe chung của bạn thì bạn cũng nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra kỹ và điều trị chính xác nhất. Trân trọng!

Chồng em bị Covid-19 và đã hết 4 tháng rồi. Mà giờ đi khám, bác sĩ nói bị thâm nhiễm phổi. Bác sĩ cho hỏi có thuốc nào uống trị không? Bệnh của chồng em như vậy có sao không?

Huynh Tan Dat

BSNT Lã Quý Hương, Bác sĩ khoa Hô hấp

Chào bạn.

Đối với trường hợp của chồng bạn, việc điều trị như thế nào phụ thuộc vào mức độ tổn thương phổi và sự ảnh hưởng đến chức năng hô hấp ra sao. Vì vậy chồng bạn cần được thăm khám lâm sàng cụ thể, có thể cần làm thêm một số thăm dò khác như đo chức năng hô hấp, test đi bộ 6 phút, xét nghiệm máu... để từ đó có quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Thân mến!

Em hết Covid-19 được hai tháng rồi, mà giờ cơ thể em lúc nào cũng trong tình trạng buồn ngủ và hơi nhức đầu. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!

Đặng Văn Mến

TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Các triệu chứng hậu Covid-19 như rối loạn giấc ngủ, đau đầu... có thể tồn tại 4 tháng sau khi khỏi Covid-19, theo CDC Mỹ. Do đó, em đã khỏi bệnh 2 tháng mà cơ thể vẫn thường trong tình trạng buồn ngủ và hơi nhức đầu thì đây có thể là các triệu chứng của hậu Covid-19. Biểu hiện của rối loạn giấc ngủ có thể là mất ngủ, ngủ nhiều quá mức hay ngủ rũ ban ngày. Buồn ngủ ban ngày quá mức có thể là biểu hiện của giảm hoạt động mạn tính, trầm cảm và thiếu tập trung chú ý. Bệnh có thể do ban đêm giấc ngủ không ngon, bị gián đoạn làm cho người bệnh không tập trung, làm việc kém hiệu quả và đau nặng đầu.

Em có thể tập đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ 7-8 giờ trong đêm; tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ như xem tivi, lướt điện thoại...; giữ cho phòng ngủ yên tĩnh; không ăn quá no, uống nhiều nước trước ngủ.

Nếu ban đêm em đã có giấc ngủ ngon, không phải thức giấc nhiều lần mà ban ngày vẫn còn buồn ngủ thì em nên đến khám chuyên khoa Nội thần kinh để tìm ra nguyên nhân gây chứng ngủ rũ ban ngày. Việc sử dụng điện não đồ cũng như điện cơ có thể cho phép phát hiện nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ của em. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh sẽ hỗ trợ điều trị để em có giấc ngủ tốt, làm việc hiệu quả. Chúc em mau khỏe mạnh!