Bài viết của nhà tâm lý học Lý Vân (Trung Quốc).
Vài ngày trước, một người mẹ chia sẻ câu chuyện: "Tôi chê con gái chơi đàn không tốt. Nó quay sang nói: ‘Mẹ biết chơi không mà nói’. Tôi nên trả lời con như thế nào?"
Câu hỏi này đã có gần 3 triệu lượt xem, có thể thấy làm thế nào để hòa thuận với con cái đang là vấn đề nan giải của nhiều cha mẹ. Trong những câu đánh giá dạng như: "Đây là đứa con ngỗ nghịch và thích nổi loạn", tôi tâm đắc với câu trả lời của một người mẹ: "Mẹ không làm được, con hãy dạy mẹ nhé".
Thực tế, trở thành cha mẹ quyền lực không phải ra sức lấn át hay cằn nhằn con cái. Học cách "chỉ ra điểm yếu của bản thân" chính là vũ khí giáo dục khôn ngoan.
Người ta thường nghe một số bà mẹ đặc biệt tự hào về con cái của họ: "Con tôi rất biết nghe lời". Những người mẹ này luôn buộc trẻ phải làm theo yêu cầu, nhưng những "mẹ hổ" như vậy lại nuôi dạy nên những đứa trẻ yếu đuối.
Trong bộ phim truyền hình "Lấy danh nghĩa người nhà", nhân vật Tề Minh Nguyệt đúng chuẩn "con nhà người ta": học giỏi, xinh đẹp và ngoan ngoãn. Nhưng cô bé bị mẹ kiểm soát rất gắt gao. Khi đi mua sắm, Tề thích bộ đồ màu trắng nhưng mẹ cô phản đối, màu đen bị chê là già, không dành cho thiếu nữ. Chỉ khi Tề chọn màu hồng mẹ cô mới gật đầu với lời dè bỉu: "Con giống hệt bố, một chút chính kiến bản thân cũng không có".
Cuối cùng điều gì xảy ra với cô gái? Cô không những không tự tin mà còn hồ nghi với khả năng của chính mình: "Tôi thực sự không làm tốt được việc gì. Tôi rất dễ mắc sai lầm". Không muốn phải "tuân lệnh" mẹ suốt đời, sự phản kháng của Tề sau đó diễn ra rất táo bạo. Để trống bài thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học chính là "đòn trả đũa" của cô với mẹ. Và cả cuộc đời về sau Tề đã bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
Nhà tâm lý học Lý Quý Đồng của Trung Quốc từng nói: "Sau 12 tuổi, cách giao tiếp của cha mẹ phải thay đổi. Điều quan trọng nhất là phải học cách thể hiện sự yếu kém của bản thân". Theo nhà tâm lý này, việc bố mẹ "tỏ ra yếu đuối" trước mặt con không phải vì không hiểu hoặc không biết gì, mà là một kiểu rút lui khôn ngoan, cho phép và khuyến khích trẻ được là chính mình. Trong tâm lý học đây gọi là "Hiệu ứng điểm yếu". Bản chất của nó là tạo ra sức mạnh bằng sự mềm mại.
Học cách tỏ ra yếu đuối trước con là cách nuôi dạy khôn ngoan, là quá trình cha mẹ có cái nhìn dài hạn và biết buông bỏ.
Trong chương trình "Thiếu niên nói", một cô bé họ Viên đã hỏi mẹ mình với giọng điệu gần như van xin: "Con biết rằng người khác rất tuyệt vời, nhưng tại sao con cũng cố học tập và làm việc chăm chỉ như mọi người mà mẹ chẳng bao giờ nhìn ra?". Câu trả lời của người mẹ sau đó rất cương quyết: "Không đả kích, con sẽ chẳng nên người". Cô bé chỉ biết đứng im một chỗ, với hai hàng nước mắt.
Đó là một cơ hội tuyệt vời để hàn gắn mối quan hệ giữa hai mẹ con, nhưng nó đã bị phá hỏng bởi sự "mạnh mẽ" của người mẹ.
Trong nền giáo dục mà nhiều đứa trẻ nhận được từ thời thơ ấu, cha mẹ dường như là "bề trên". Việc tuân theo vô điều kiện các quyết định của cha mẹ là bổn phận của những đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ đã ở trong "điểm yếu tâm lý" này lâu ngày, một là chúng sẽ im lặng làm theo như robot được lập trình sẵn, lâu dần sẽ trở nên tự ti, thậm chí hèn nhát. Hai là chúng sẽ chống đối đến cùng.
"100 lần trịch thượng không mang lại hiệu quả tốt như một lần làm nũng", nhà tâm lý học Lý Quý Đồng từng nói. Theo nhà tâm lý này, nếu cha mẹ có thể từ bỏ ưu thế của một người làm cha mẹ, có thể nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của con cái.
Thể hiện sự yếu kém là cách "rút lui để tiến bộ", giúp kích thích tiềm năng phát triển của trẻ, khơi dậy sức mạnh bên trong, nâng cao sự tự tin và khuyến khích trẻ độc lập, có trách nhiệm hơn.
Vậy, cha mẹ nên thể hiện sự yếu đuối với con cái như thế nào?
1. Bố/mẹ không biết phải làm như thế nào
Nhiều cha mẹ cảm thấy rằng họ phải là người toàn năng trước con cái, để làm tấm gương tốt và trẻ sẽ phải ngưỡng mộ mình. Trên thực tế, nếu cha mẹ quá mạnh mẽ, trẻ thường thấy chúng kém cỏi. Tốt hơn hết là dạy con câu trả lời đúng hơn là khả năng tìm ra câu trả lời.
Khi nói: "Bố/mẹ không biết phải làm như thế nào" sẽ kích thích hứng thú khám phá những điều chưa biết, cũng là vũ khí tốt nhất để trau dồi kỹ năng tư duy của trẻ.
2. Bố mẹ không làm được, con hãy giúp nhé
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Anh Donald Winnicott tin rằng, sự phát triển toàn diện của một đứa trẻ không cần người mẹ tốt nhất, chỉ cần người mẹ đủ tốt. Một người mẹ đủ tốt có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của trẻ từ khi mới sinh ra. Khi năng lực của trẻ tiếp tục phát triển, cần tiến hành tự điều chỉnh để bớt phụ thuộc vào người mẹ.
"Nếu không buông tay, người mẹ sẽ cản trở sự phát triển của con", Donald Winnicott nói. Theo ông, đứng trước người mẹ "không hoàn hảo", con cái cũng có thể giải tỏa áp lực học tập, sự mệt mỏi và thư thái hơn. Sự yếu đuối của người mẹ sẽ kích thích mong muốn bảo vệ gia đình của đứa trẻ. Yêu cầu trẻ "giúp đỡ" cũng là công cụ tốt nhất để trau dồi tinh thần trách nhiệm của trẻ.
3. Làm tốt lắm, cảm ơn con
Cuối cùng, đừng quên nói "Cảm ơn" với trẻ, để chúng thấy được giá trị và ý nghĩa của bản thân, tìm thấy sự hứng thú khi làm việc. Hãy để trẻ nhận được những phản hồi tích cực một cách sâu sắc, để hiểu hành vi nào của mình đáng được ghi nhận và đáng làm. Điều này sẽ dần khuyến khích trẻ hình thành thói quen, hành vi tốt.
"Chúng ta có thể đẩy đứa trẻ và để nó đi về phía trước, cũng có thể chủ động lùi lại và để trẻ đứng ở phía trước", nhà tâm lý học người Mỹ Zimmerman từng nói. Sự đánh giá cao của cha mẹ sẽ kích hoạt ý thức về giá trị và sự tự tin của trẻ. Tự hào về việc trẻ "làm tốt" cũng nuôi dưỡng lòng tự trọng và sự tự tin.
Yêu là nắm tay đúng lúc, yếu đuối là biết buông tay đúng lúc. Vì đường đời nhiều gập ghềnh nên học cách buông bỏ, bố mẹ mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ độc lập và can đảm.
Hải Hiền (Theo sohu)