Bài viết của nhà tâm lý học Phong Tử (Trung Quốc)
Một trong những câu trả lời nhận được sự quan tâm nhất là: "Dạy dỗ con nóng nảy y như bố mẹ trước đây". Bên dưới câu trả lời có những bình luận kể về vô số tổn thương cha mẹ gây ra cho họ khi còn nhỏ. Nhưng những người này khi trở thành bố mẹ lại cư xử y như vậy với con mình.
La mắng, đòn roi không tác dụng giáo dục con cái
Một cuộc khảo sát ở Trung Quốc từng ghi nhận có đến 90% phụ huynh nước này từng sử dụng đòn roi với con.
"Supernanny" là chương trình giáo dục thực tế. Hảo Hảo- một đứa trẻ 9 tuổi tham gia chương trình cách đây không lâu. Khi người mẹ đi làm về hỏi cậu bé làm bài tập chưa? Thấy con không trả lời, bà mẹ đã giận dữ kéo đứa trẻ vào bàn và kiểm tra bài vở. Bà nổi điên khi thấy vở trống không.
Người mẹ không ngừng la hét trong khi cậu bé nép mình ngồi một bên, miệng ngậm chặt, nước mắt lưng tròng. Cơn giận của người mẹ không dừng ở đó, bà liên tục lấy tay đánh vào người con và dí tay vào trán mắng cậu là đồ lười biếng. Hảo Hảo không chống trả, chỉ dùng một tay bịt tai, tay kia lấy cuốn vở bắt đầu viết, nước mắt vẫn không ngừng rơi. Được một lúc, cậu buông bút, nhìn chằm chằm vào mẹ thách thức trong khi bà vẫn không ngừng la mắng.
Cuộc chiến vẫn cứ thế diễn ra, mẹ vẫn mắng và con vẫn trừng trừng nhìn mẹ. Sự đối đầu giữa hai mẹ con khiến người phụ nữ phải thốt lên với người thực hiện chương trình: "Tại sao tôi đánh mắng con trai mà nó không chịu ăn năn, còn tỏ ra thách thức?"
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Israel Haim Ginott từng nói: "Hành vi và cảm nhận của trẻ có mối liên hệ trực tiếp với nhau. Tình cảm tốt thì sẽ có hành vi tốt. Nếu trẻ cảm thấy tồi tệ thì sẽ có hành vi xấu".
Cha mẹ sử dụng hình phạt đòn roi hay la mắng giống như đang sử dụng một liều thuốc rất nặng cho căn bệnh của con. Bệnh có thể khỏi nhưng sau này dẫn tới nhờn thuốc. Lần sau khi bệnh, nếu không tiếp tục sử dụng liều thuốc nặng bằng liều thuốc trước có khả năng bệnh sẽ không tiến triển, dù nặng hay nhẹ.
Bố mẹ thường xuyên quát tháo la mắng sẽ khiến trẻ sinh ra hành vi chống đối. Trẻ sẽ trở nên lầm lì nóng tính và hay gắt gỏng – y như bố mẹ chúng đã làm. Trẻ hay bị đòn roi lớn lên cũng sẽ có hành vi bạo lực với những người xung quanh và với chính cha mẹ của chúng.
Nuôi con là lần trưởng thành thứ hai của cha mẹ
Nhiều người nói rằng cha mẹ là người thầy tốt nhất của con cái nhưng trong quá trình nuôi dạy, tôi nhận ra con cái mới chính là người thầy của chúng ta. Đúng như cuốn sách "Hey, I Know You" nói: Nuôi dạy con cái là sự trưởng thành thứ hai của cha mẹ, dù đôi khi họ bị ép buộc.
Nhà văn Lưu Na của Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện của cô và con trai mình. Cô thường hối hận sau những lần la mắng con vì những điều không vừa ý, nhưng cậu bé luôn bỏ qua cho mẹ. Cậu bé viết trong nhật ký: "Trước khi sinh ra tôi, mẹ cũng chỉ là một cô gái. Sau khi sinh ra tôi, mẹ đã là mẹ. Năm nay tôi 8 tuổi và mẹ cũng 8 tuổi. Mẹ 8 tuổi tuy không đủ tốt, thường hay nổi nóng nhưng tôi vẫn rất thương mẹ. Bởi vì mẹ 8 tuổi bằng con 8 tuổi, đều không đủ tốt nên dễ dàng tha thứ cho nhau".
Lưu Na cho biết: "Cảm ơn con trai vì đã xác định lại tuổi làm mẹ của tôi và chấp nhận rằng mẹ chưa đủ tốt và chưa đủ hoàn hảo".
Trẻ em coi bố mẹ như người bạn cùng trang lứa, trong khi bố mẹ lại coi chúng như những người trưởng thành với những thiếu sót, khuyết điểm cần phải sửa chữa ngay lập tức.
Những nỗ lực thay đổi của cha mẹ là ánh sáng soi đường cho tương lai của trẻ
Nhiều cha mẹ thở dài, họ hiểu đánh mắng con là không nên nhưng không thể tự kiềm chế được sự nóng nảy của bản thân. Quả thật, chúng ta luôn dễ rơi vào vòng lặp vô tận của những cơn giận hờn tự trách mình.
Trong cuốn sách "Không la mắng, không đánh đập" nói rằng, tự trách bản thân và mặc cảm không giúp thay đổi được hành vi. Tâm lý kiểu này sẽ khiến bố mẹ thiếu động lực để thay đổi.
Điều bố mẹ cần làm là nỗ lực để hành động:
Đối phó với cảm xúc của bản thân trước
Cảm xúc bên trong của người lớn giống như một chiếc chai. Khi chiếc chai của cha mẹ đủ lớn sẽ chứa đựng nhiều cảm xúc của trẻ hơn. Vì vậy trước khi giải quyết vấn đề của trẻ, cha mẹ đừng quên khơi thông "chai xúc cảm" của chính mình.
Cho trẻ một cái ôm yêu thương
Trong một lớp học, giáo viên hỏi học sinh: "Tại sao mọi người hét lên khi họ tức giận?". Học sinh trả lời: "Vì mất bình tĩnh". Giáo viên lại hỏi: "Tại sao khi người khác ở bên cạnh, họ vẫn hét lên, tại sao không thể nhỏ giọng lại được?", lần này không ai trả lời được. Vị giáo viên giải thích: "Khi một người tức giận, khoảng cách giữa hai trái tim rất xa. Muốn để đối phương nghe thấy, họ phải hét lên. Nhưng cùng lúc đó, họ lại cảm thấy tức giận hơn, khoảng cách giữa hai trái tim sẽ tiếp tục xa hơn cũng như tiếng gầm thét sẽ to hơn".
"Bởi vậy, hãy ôm lấy nhau để khoảng cách được rút gần", vị giáo viên nói.
Khi bố mẹ muốn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, hãy ôm con trước. Khi không kìm được cơn tức giận, cũng hãy ôm con vào lòng. "Hãy xích lại gần nhau hơn để giáo dục trở nên ý nghĩa", nhà tâm lý học Israel Haim Ginott từng nói.
Khống chế bản thân không chỉ tốt cho trẻ
Một người dùng mạng từng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân: Viết nhật ký cảm xúc để nhắc nhở bản thân điều chỉnh lại những cảm xúc tiêu cực với con cái. "Sự ổn định về cảm xúc không chỉ dành cho trẻ mà còn khiến bố mẹ cảm thấy yên bình và hạnh phúc hơn trong cuộc sống", người này nói.
Nhà văn Lưu Na cho rằng, cảm xúc của cha mẹ quyết định "nhiệt độ" trong gia đình. Chỉ khi cha mẹ nở nụ cười, con cái mới có tình yêu thương trong tim. Có tình yêu trong lời nói của cha mẹ mới có ánh sáng trong mắt con trẻ.
Cha mẹ tốt không bao giờ để những cảm xúc xấu ảnh hưởng đến con cái, mà tạo không khí tốt để chúng lớn lên, đồng thời không ngừng suy ngẫm, hoàn thiện bản thân, giúp cuộc sống hài hòa và tốt đẹp hơn.
"Mong mọi cha mẹ có thể kiểm soát được tính khí nóng nảy để mọi đứa trẻ đều được đối xử một cách hòa nhã", nữ nhà văn nói.
Vy Trang (Theo sohu)