Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.
"Mối quan hệ của chúng tôi đã lao dốc và đó hoàn toàn là lỗi của Mỹ", ông Putin nói, thêm rằng nếu Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân, "chúng tôi cũng sẽ làm vậy".
Thông báo của Nga đã khiến nhiều quan chức phương Tây lo lắng về nguy cơ tan rã của cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, bởi New START là rào chắn cuối cùng để đảm bảo kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của hai nước được đặt trong một cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Trong những thập kỷ đầu của Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã chạy đua xây dựng kho vũ khí hạt nhân, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến tranh hủy diệt toàn diện có thể xóa sổ cả nhân loại. Để ngăn chặn nguy cơ này, vào cuối những năm 1960, tổng thống Mỹ Lyndon Johnson kêu gọi đàm phán với Moskva nhằm hạn chế số lượng vũ khí chiến lược của mỗi bên.
Các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược (SALT) bắt đầu dưới thời người kế nhiệm Johnson, tổng thống Richard Nixon, tại Phần Lan năm 1969. Tới năm 1972, Nixon và lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev ký hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và thỏa thuận hạn chế xây dựng các kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tạm thời.
Theo các thỏa thuận sau đó gồm START I và SORT, Mỹ và Liên Xô, sau đó là Nga, đã cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của mình. Song các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí thường rất khó khăn và các dự thảo hiệp ước khác không bao giờ được triển khai.
Năm 2002, chính quyền tổng thống George W. Bush đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo với lý do nó hạn chế khả năng tự bảo vệ của Mỹ trước "những kẻ khủng bố" và "các quốc gia bất hảo".
Năm 2010, tổng thống Barack Obama và tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước New START. Hiệp ước có hiệu lực một năm sau đó, bắt đầu quá trình Mỹ và Nga thu hẹp kho vũ khí tấn công chiến lược của mình.
Hiệp ước quy định mỗi nước không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và oanh tạc cơ mang vũ khí hạt nhân, cũng như không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các phương tiện này. Ngoài ra, số bệ phóng "được triển khai hoặc không triển khai" của mỗi nước cũng không được vượt quá 800.
Hiệp ước cũng hạn chế những vũ khí hạt nhân tầm xa của Nga có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo các điều khoản của hiệp ước, những đoàn thanh sát của Mỹ và Nga có thể tiến hành 18 cuộc kiểm tra được thông báo trong thời gian ngắn tại các địa điểm hạt nhân của nhau mỗi năm, nhằm xác nhận đối phương vẫn tuân thủ hiệp ước.
New START ban đầu bị chỉ trích là không đủ tham vọng, theo John Erath, giám đốc chính sách cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến vũ khí. Thỏa thuận vẫn cho phép cả Mỹ và Nga sở hữu hàng trăm vũ khí hạt nhân nguy hiểm và có thể dẫn tới hủy diệt trên diện rộng nếu được khai hỏa.
Ông Erath cho rằng điều mà hiệp ước New START đã làm được là giúp Nga và Mỹ không tiếp tục chạy đua vũ trang. Tính tới tháng 2/2018, cả hai quốc gia đã tuân thủ những hạn chế của hiệp ước và vẫn duy trì số lượng đầu đạn hạt nhân bằng hoặc thấp hơn kể từ đó.
Tuy nhiên, tương lai của thỏa thuận đã nhiều lần rơi vào cảnh bấp bênh kể từ khi được ký. Chính quyền tổng thống Donald Trump gọi hiệp ước là "thiếu sót nghiêm trọng" vì không bao gồm vũ khí hạt nhân tầm ngắn hơn, hay còn gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật. Các cuộc đàm phán gia hạn hiệp ước bị đình trệ dưới thời Trump và chính quyền của ông đã rút khỏi một thỏa thuận cấm tên lửa tầm trung khác với Nga.
Vào đầu năm 2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đạt thỏa thuận với Moskva gia hạn New START tới tháng 2/2026. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói quyết định gia hạn là "vì lợi ích an ninh của chúng tôi và vì cả lợi ích của Nga".
Song các cuộc thanh sát thường xuyên theo hiệp ước đã không được tiến hành trong ba năm qua, đầu tiên là do đại dịch Covid-19 và sau đó là do quan hệ Mỹ - Nga lao dốc vì xung đột Ukriane. Tháng 11 năm ngoái, Nga đơn phương hoãn các cuộc họp kỹ thuật liên quan tới hiệp ước với quan chức Mỹ vì "lý do chính trị".
Trong báo cáo gửi quốc hội tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ nói "không thể xác nhận Nga có tuân thủ thỏa thuận hay không" vì Moskva đã từ chối cho phép Mỹ thanh sát trên lãnh thổ. Báo cáo làm dấy lên lo ngại Nga vượt giới hạn đầu đạn hạt nhân theo quy định.
Tổng thống Putin nhấn mạnh quyết định đình chỉ tham gia hiệp ước không có nghĩa Nga hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, Nga sẽ không cho phép các nước NATO kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của mình, với lý do liên minh quân sự này đã giúp Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ oanh tạc cơ chiến lược, được xem một phần lực lượng hạt nhân của Nga.
Thông báo của ông Putin đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở phương Tây về nguy cơ sụp đổ những nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Nga lên tới đỉnh điểm vì xung đột Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo "toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí đã bị dỡ bỏ", đồng thời thêm rằng "tôi đặc biệt khuyến nghị Nga cân nhắc lại" quyết định đình chỉ tham gia New START.
Nhưng Erath nhận định tuyên bố của ông Putin "hoàn toàn mang tính biểu tượng", bởi Nga trước đó đã ngăn các hoạt động thanh sát của Mỹ. Theo ông, đây dường như là động thái nhằm gây áp lực với Tổng thống Biden và đồng minh, buộc họ phải tiếp xúc với Nga để tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine. "Điều này cho phép Nga có thể áp đặt các điều khoản về những gì tiếp theo", Erath nói.
Chuyên gia này cảnh báo rằng việc quá lưu tâm đến tuyên bố của Nga sẽ kéo theo nhiều rủi ro, đặc biệt nếu Mỹ chọn nhượng bộ, bởi nó sẽ khiến nhiều nước cho rằng vũ khí hạt nhân có thể trở thành đòn bẩy ngoại giao hiệu quả.
Giới quan sát nhận định ngay cả khi đình chỉ New START, Nga không đủ khả năng để chạy đua vũ trang, trong bối cảnh cuộc xung đột hao người tốn của ở Ukraine đang hút rất nhiều nguồn lực của Moska. Trong tình hình đó, việc tìm cách cạnh tranh chế tạo vũ khí hạt nhân với Mỹ không phải là điều Nga mong muốn, theo Erath.
Dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ ngày 21/2 chỉ trích quyết định của ông Putin là "vô trách nhiệm và vô cùng đáng tiếc".
"Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận để xem Nga thực sự làm gì", ông nói. "Tất nhiên, chúng tôi sẽ đảm bảo rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi đều có biện pháp ứng phó thích hợp vì an ninh của chính nước Mỹ và các đồng minh".
Thanh Tâm (Theo Washington Post)