"Năm học lớp 11 tôi đã suy nghĩ chỉ học hết lớp 12 để có trình độ 12/12 chứ không học tiếp, vì tôi biết rõ sức học của mình không tốt. Giữa năm lớp 12 tất cả các bạn trong lớp ai cũng lấy giấy viết nguyện vọng thi vào trường này trường kia, riêng tôi không làm.
Học xong lớp 12, tôi đi làm một năm, sau đó đi học nghề, rồi đi làm bốn năm, giờ tôi mở cửa hàng riêng kinh doanh.
Trong khi các bạn của mình trình độ cao đẳng, đại học bốn năm, giờ có đứa ở nhà làm vườn, có đứa học xong đi làm đúng chuyên ngành được vài năm, bây giờ đã nghỉ việc để làm tự do. Hiện giờ chỉ còn khoảng vài người là làm theo đúng chuyên ngành.
Lúc tôi làm ra tiền thì các bạn còn đi học, và học xong cũng vẫn phải làm trái ngành. Cho nên tôi khuyên các cháu nếu muốn học nghề thì nên học hết lớp 12. Còn cố vào đại học, phí thời gian bốn năm và tốn tiền bạc của gia đình nhiều lắm".
Độc giả Phú Nguyễn chia sẻ như trên, rằng khi học lớp 11, anh đã quyết định chỉ học hết lớp 12 vì biết rõ sức mình học không tốt, sau khi anh đi làm thì các bạn vẫn còn đang đi học.
Bình luận này được viết sau bài Sợ cho con học nghề. Theo đó, nhiều phụ huynh không muốn con phải lo toan, nghĩ về thị trường lao động sớm, trong khi bạn bè cùng trang lứa được đi học cấp ba.
Ở khía cạnh ngược lại, độc giả Hoàng nhận thấy rằng sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí rời giảng đường đại học, nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc tìm việc làm phù hợp:
"Khi tốt nghiệp và rời giảng đường đại học, rồi lăn lộn cuộc sống với việc làm, tôi nhận thấy một sự lãng phí không hề nhỏ trong việc đào tạo khi 12 năm vất vả bậc trung học phổ thông, nếu không bước được vào đại học.
Cầm tấm bằng 12/12 thực sự không biết phải làm nghề gì, vì không nơi nào tiếp nhận trừ các công việc phổ thông và các công việc mà thời gian đào tạo ngắn, không quá khó.
>> 'Chỉ tốt nghiệp cấp ba khó kiếm lương 15 triệu đồng'
Đối với những gia đình kinh tế eo hẹp, nuôi con đến chừng ấy đã là kỳ công, là sự đánh đổi máu và mồ hôi qua năm tháng nhưng đổi lại là một sự lo âu vô định về tương lai con mình.
Kể cả khi tốt nghiệp đại học, không kể yếu tố đi làm thêm, ra trường vẫn chới với. Bỏ qua chuyện quá vĩ mô kiểu thừa thầy thiếu thợ mà xã hội đã nói đến rất nhiều nhưng chưa thay đổi gì mà thậm chí ngày càng 'bịnh' nặng thêm.
Tôi thật sự mong mỏi một sự thay đổi toàn diện, căn cơ từ nhận thức xã hội về 'mác' học vấn đến quy hoạch có chiều sâu, bài bản nền giáo dục hướng đến sự toàn diện, bớt tính phô trương, hình thức.
Để khi rẽ ngang vì bất kỳ lý do gì, nhất là về kinh tế, các cháu vẫn có hy vọng có được một kỹ năng nghề nghiệp nhất định để làm hành trang có thể 'sống được' với cuộc đời này, qua đó cũng giảm đi sự hao phí nguồn lực của gia đình và xã hội".
Theo một khảo sát VnExpress thực hiện với hơn 1.000 người tham gia hồi năm ngoái, chỉ 2% muốn bản thân hoặc con em học nghề. Còn lại, 92% chọn THPT công lập, 8% chọn tư thục, giáo dục thường xuyên.
Độc giả phanasaoz chia sẻ về việc học nghề ở Đức, nơi mà học nghề rất phổ biến và được nhiều du học sinh, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam quan tâm, đồng thời chỉ ra nghịch lý về giá trị bằng đại học ở ta:
"Học nghề ở Đức khá phổ biến, thậm chí rất được các du học sinh nước ngoài, đặc biệt là các bạn trẻ Việt Nam quan tâm và đăng ký học.
Ở Đức, học nghề là kết hợp giữa khoảng 40% học lý thuyết và thi trên trường và 60% là thực tập học việc lại các cơ sở, doanh nghiệp, cửa hàng đạt yêu cầu, chứng nhận bởi IHK, HWK.
Các bạn trẻ Việt Nam sẵn sàng bỏ ra 200-250 triệu đồng cho các trung tâm để được một suất học nghề bên Đức, mà đầu ra cũng tương đương hệ trung cấp, cao đẳng ở Việt Nam mà thôi (trừ một số ngành đặc thù).
Đa số học sinh Đức (khoảng 2/3), từ lớp 10-lớp 12 sẽ chọn trường nghề thay vì theo con đường Đại Học. Học nghề thường đảm bảo về khả năng tiếp thu, công việc đơn giản, và có thể tạo lập cuộc sống lâu dài được.
>> Học phí đại học tăng - rào cản hay bộ lọc?
Công ty tôi có hơn một nửa nhân viên IT là đi lên từ học nghề, thực tập tại chính cty mình và ở lại làm việc sau 3 năm học nghề. Họ chia sẻ, học nghề phù hợp với họ hơn, và họ không có khả năng học đại học.
Học nghề, trường nghề sinh ra để tập trung vào lực lượng lao động phổ thông, vốn thường chiếm khoảng 70-80% lực lượng lao động trên thị trường.
Ở Việt Nam, tỷ lệ đỗ đại học lên tới 92% là một nghịch lý về giá trị tấm bằng đại học và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Do đó, khoảng 70% các bạn có bằng đại học xong sẽ làm một công việc khác không liên quan".
Độc giả Bình Luận cho rằng kỳ vọng vào con cái là phản ứng thường tình của phụ huynh. Tuy nhiên, nếu muốn hướng nghiệp cho học sinh thì nên bắt đầu từ sớm:
"Nếu muốn hướng nghiệp thì nên phổ biến và cho lựa chọn ngay từ lớp 7, lớp 8 và lớp 10, lớp 11 rồi chứ cứ đợi đến họp phụ huynh kỳ 2 lớp 9 lớp 12 mới nói con anh chị không đủ năng lực để học tiếp thì thua, khác nào sét đánh ngang tai.
Bản thân các trường nghề cũng cần kết hợp với các trường phổ thông để niêm yết thông tin về trường, ngành học, cơ hội nghề nghiệp... ngay tại cổng trường, hành lang cầu thang, sân nhà thể chất để phụ huynh và học sinh tham khảo dần dần.
Cũng cần đẩy mạnh các nghề mới như du lịch, lập trình, thiết kế, sáng tạo nội dung, điều dưỡng... đâu cứ học văn hóa kém là mặc định phải học mãi những nghề lao động chân tay như cơ khí, tiện, hàn, sửa xe máy?".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.