Anh Sơn, phụ huynh lớp 9 ở Hà Nam, nói đây là lý do mà anh và con nhiều lần cãi vã. Cô bé dứt khoát muốn học nghề, phần vì thích, phần thấy lực học đuối, khó đỗ lớp 10.
"Tôi không đồng ý. Trượt trường công thì vào giáo dục thường xuyên, học xong rồi đi học nghề cũng chưa muộn", anh Sơn kể.
Ở Hà Nội, chị Hương, phụ huynh một trường THCS ở ngoại thành, thuộc nhóm khoảng 10 người được cô giáo tư vấn không cho con thi lớp 10, hồi tháng 4. Căn cứ là điểm tổng kết và các bài kiểm tra của con chị, đều chỉ 2-4 điểm, ở mỗi môn Toán, Văn, Anh.
"Cô gợi ý gia đình cho con đi học nghề nhưng tôi kịch liệt phản đối", chị Hương nhớ lại. "Con mới 15 tuổi, bữa ăn, giấc ngủ còn phải nhắc, chưa làm được gì ra hồn thì sao có thể học nghề".
Chị Hương cho hay nếu trượt trường công, chị sẽ cho con học tư thục, cùng lắm thì học giáo dục thường xuyên. "Dù thế nào tôi cũng không để con vào trường nghề", chị nói.
Cả anh Sơn và chị Hương đều không muốn con phải lo toan, nghĩ về thị trường lao động sớm, trong khi bạn bè cùng trang lứa được đi học cấp ba.
Nhiều người có suy nghĩ như vậy. Theo một khảo sát VnExpress thực hiện với hơn 1.000 người tham gia hồi năm ngoái, chỉ 2% muốn bản thân hoặc con em học nghề. Còn lại, 92% chọn THPT công lập, 8% chọn tư thục, giáo dục thường xuyên.
"Phụ huynh thường nghĩ bần cùng, bất đắc dĩ không đi đâu được mới cho con học nghề", thầy Nguyễn Khả Đống, Phó hiệu trưởng trường THCS Bùi Quang Mại, huyện Mê Linh, Hà Nội, nhận định.
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân chính khiến nhiều phụ huynh, học sinh không muốn chọn học nghề.
Thứ nhất là tâm lý xã hội. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thấy rằng nhìn chung, gia đình nào cũng muốn con được học ít nhất là hết THPT.
"Bây giờ các gia đình chủ yếu có 1-2 con, nên đều muốn đầu tư học. Chưa kể, nhiều người vẫn có tâm lý học nghề là một lựa chọn gì đó thấp hèn, không có địa vị", ông nhìn nhận.
Đồng tình, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thấy rằng nhiều người nghĩ vào trường nghề tức là đường học đã bị chặn lại. Do đó, họ dè dặt, dù thực tế, học sinh trường nghề vẫn có thể thi đại học nếu muốn.
Lý do thứ hai là hoạt động hướng nghiệp còn hạn chế. Theo ông Bình, tư vấn cho học sinh học nghề sau THCS là chưa đủ, mà cần phải giúp các em và phụ huynh chọn được nghề phù hợp nếu theo con đường này.
"Nếu chỉ nói học nghề rồi để đó, các gia đình sẽ rất hoang mang, vì ít có học sinh 14-15 tuổi lại nhận thức rõ ràng mình muốn học gì và sau này sẽ làm gì", ông Bình nói.
Thứ ba là giá trị bằng cấp. TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho biết chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng việc học nghề ở tuổi 15 hiệu quả, tạo ra giá trị lâu dài hay thay đổi cuộc sống của người học.
"Người ta không nói các em học thì nhận được gì, phụ huynh và học sinh cứ mãi băn khoăn tại sao phải học nghề, đơn giản vì không thấy được giá trị của lựa chọn này", ông Phương nói.
Tôn trọng lựa chọn của các gia đình, song thầy Đống cho biết tâm lý không muốn học nghề sẽ là rào cản lớn với các trường và giáo viên trong hoạt động phân luồng, hướng nghiệp.
Thầy giải thích, đây là hoạt động bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" của Chính phủ đưa ra mục tiêu 25-30% học sinh tốt nghiệp THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030, con số này là 50-55% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT.
"Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi tư vấn học sinh học nghề. Nhiều phụ huynh nói thi lớp 10 là niềm mong ước của gia đình. Còn giáo viên cũng chùn tay, vì nếu câu chữ không hợp lý, bị phản ứng sẽ rất mệt", thầy bày tỏ.
Về phía học sinh, nếu không chủ động chọn học nghề mà là "bất đắc dĩ", các em dễ bị sốc, nản, bỏ học giữa chừng, theo cô Hứa Thị Diễm Trâm, hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập, TP HCM.
"Nếu bỏ, chỉ với bằng tốt nghiệp THCS mà đi làm luôn sẽ khó tìm được công việc tốt", cô Trâm phân tích.
Không lý tưởng hóa chuyện học nghề sau THCS, song TS Lê Đông Phương cho rằng cũng không nên nhìn mô hình này với con mắt kỳ thị. Để đưa ra lựa chọn phù hợp, phụ huynh nên dựa vào lực học và sở thích của con. Các thầy cô khi tư vấn cũng cần căn cứ vào những yếu tố này, chứ không phải "cứ thấy điểm kém là khuyên học nghề".
"Có những học sinh yêu thích và phù hợp với học nghề hơn là theo chương trình văn hóa, nên cứ ép tất cả phải vào THPT thì thị trường lao động mất đi những người thợ giỏi", ông Phương nói.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Cao đẳng Quốc tế TP HCM, chất lượng đào tạo của các trường nghề đang ngày được cải thiện. Như tại trường ông, 100% học sinh theo chương trình 9+ tốt nghiệp THPT, sau đó học tiếp cao đẳng hoặc đại học.
"Học nghề hay vào trường phổ thông đều cùng đích đến là tốt nghiệp THPT. Do đó, các gia đình nên cân nhắc chọn học nghề để giảm áp lực cho con", ông Lý nói.
Chưa kể, nếu cần bằng cấp, chuyên môn trong thời gian ngắn để sớm tham gia thị trường lao động, học nghề sau lớp 9 là lựa chọn phù hợp, theo các chuyên gia.
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2022 của Tổng cục thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của những người có trình độ sơ cấp là 1,6%, thấp hơn nhóm tốt nghiệp cao đẳng và đại học (3,4% và 3,16%). Về thu nhập, nhóm học nghề kiếm được bình quân 8,25 triệu đồng một tháng, chỉ kém đại học (10 triệu), còn cao hơn các bậc còn lại 0,2-2,2 triệu đồng.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình cho biết số học sinh chọn học nghề sau THCS có xu hướng tăng. Giai đoạn 2015-2017, khoảng 15% học sinh tốt nghiệp lớp 9 chọn con đường này, vài năm gần đây tăng lên 20%.
"Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy nhận thức của học sinh, phụ huynh đang dần thay đổi", ông Bình đánh giá. Theo ông, không chỉ Việt Nam, nhiều nước như Đức, Áo, Hà Lan phân luồng từ lớp 7-8 để có một tỷ lệ nhất định học sinh học nghề.
Dù chọn hướng nào, TS Lê Đông Phương khuyên học sinh có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm.
"Xã hội hiện đại ngày càng chú ý tới việc anh làm được những gì, hơn là học gì. Miễn là có năng lực, các em sẽ được trả lương xứng đáng", ông Phương nhìn nhận. Ông lưu ý thêm nếu chọn học nghề, học sinh và gia đình cần tìm hiểu kỹ để chọn được trường uy tín.
Sau hơn hai tháng, thấy sự quyết tâm của con gái cùng tư vấn của cô giáo, anh Sơn đồng ý để con đăng ký vào một trường trung cấp, học làm móng và tóc như mong muốn. Chương trình gồm cả học văn hóa và học nghề, dự kiến kéo dài ba năm.
"Thực chất tôi cũng chỉ muốn con có hiểu biết, bằng cấp, sau này có một công việc để nuôi sống bản thân", anh Sơn nói.
Thanh Hằng - Lệ Nguyễn