Lúc về quê dịp Tết Dương lịch, tôi có trò chuyện với một cô em họ, đang làm công nhân may cho một xí nghiệp trong khu công nghiệp gần nhà. Cô em họ của tôi học giỏi, suýt soát vào trường chuyên của tỉnh, nếu không lầm lỡ vào năm học lớp 11.
Sau sự đó đó, cô em này ở nhà nuôi con một thời gian rồi cố gắng đi học bổ túc để lấy bằng cấp III. Sau đó thì làm công nhân may cho các xí nghiệp gần nhà như trên để tiện chăm con.
Bây giờ, đứa con đã học lớp 8, mỗi lần gặp tôi, hai anh em tâm sự và cô thường nhắc về quãng đời đã đánh mất từ lớp 11 như thế. "Nếu không lầm lỡ từ sớm, có lẽ giờ này em cũng sống ở Sài Gòn như anh. Trước đó, em cũng học đại học, rồi đi làm, chứ không phải làm công nhân như bây giờ".
Những năm công ty có đơn hàng nhiều, cộng thêm hàng tăng ca, cô em họ của tôi kiếm được 8-9 triệu đồng mỗi tháng. Ở nhà ba mẹ, cuộc sống ở quê không quá áp lực cơm áo gạo tiền nhưng cô em này vẫn thấy lo. Dưới còn đứa em trai, nên sớm muộn gì cũng phải dành dụm tiền cất nhà ra riêng, không thể ở chung được nữa.
Tôi đề nghị em nên đi học thêm vài khoá tiếng Trung, biết đâu có một công ty Trung Quốc nào đó trong khu công nghiệp tuyển nhân sự, thì đó sẽ là lợi thế, chứ không lẽ làm công nhân may hoài sao? Em nói xin ghi nhận và sẽ cố gắng học. Rồi em hỏi: Một người có bằng đại học và một người làm công nhân, cùng lương 15 triệu đồng thì ai sướng hơn?
Hỏi câu này, là tôi biết em còn dằn vặt về cuộc sống hiện tại. Dĩ nhiên, người công nhân làm rất cực khổ mới nhận được 15 triệu đồng, bao gồm tăng ca. Trong khi người có bằng đại học, có nhiều lợi thế hơn.
Đây chính là câu trả lời mấu chốt cho nhiều người: Học đại học để làm gì? Có nhất thiết phải vào đại học không?
Đây cũng chính là nguyên nhân mà nhiều người ở quê tôi, cố gắng lo cho con học đại học, dù là xét tuyển học bạ, học trường tư học phí cao. Bởi với họ, bằng đại học là tấm giấy thông hành để có việc làm nhàn hơn so với lao động chân tay.
Thiên Lý
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.