"Chủ nhà để xe máy chắn lối đi chung đương nhiên là sai, nhưng tôi cũng thực sự khó chịu với mấy người đi ôtô rõ to rồi lao đầu vào hẻm nhỏ, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân bên trong. Có tiền mua ôtô thì sao không chịu khó bỏ tiền ra mà đi gửi xe ở bên ngoài rồi đi bộ vào ngõ? Chứ cái ngõ bé tí mà ai đi ôtô cũng chen vào thì thực sự khiến người đi bộ và xe máy rất ức chế.
Tôi nghĩ, nên cấm ôtô đi vào một số đường nhỏ và ngõ nhỏ để tránh ảnh hưởng đến giao thông. Vấn đề ở đây là ý thức và văn hóa lái xe của mỗi người, đặc biệt là tài xế ôtô. Đành rằng ngõ không cắm biển cấm ôtô, nhưng nếu thấy ngõ quá nhỏ thì tài xế nên chủ động tìm phương án khác. Còn cứ cố chấp đi vào rồi xích mích với người ta thì chỉ thiệt thân".
Đó là quan điểm của độc giả Aidal về cuộc xung đột giữa chủ nhà và tài xế ôtô bảy chỗ trong bài viết "Để xe máy chiếm hẻm nhưng quát tài xế ôtô: 'Tao cho thì mày mới được qua'". Với hệ thống đường phố đặc trưng ở Việt Nam, nhiều ngõ hẹp, nhiều nhánh và ngã rẽ, việc lái ôtô vào các hẻm nhỏ trở thành một vấn đề nan giải. Đặc biệt là khi trong thói quen sinh hoạt của nhiều người sống trong ngõ, hẻm, việc trưng dụng lối đi chung làm chỗ để xe, chậu cây, bàn ghế... xảy ra như cơm bữa.
>> 'Cấm đỗ xe trước cửa vì tư tưởng độc chiếm toàn bộ mặt tiền nhà'
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc AlibaD chia sẻ: "Rất nhiều tài xế vào hẻm đỗ ôtô, thậm chí đậu chắn trước của nhà người khác với lý lẽ 'không có biển cấm đậu'. Thế nhưng khi người ta dựng xe máy trước cửa nhà thì lại nhảy dựng lên, cho rằng 'chặn lối di chuyển của ôtô'. Đó chẳng phải là tiêu chuẩn kép hay sao?
Cá nhân tôi thấy rằng, cần có quy định cấm ôtô đi vào các hẻm nhỏ, và cấm luôn đậu xe ở bất kỳ chỗ nào thuộc lòng đường, vỉa hè, ngõ hẻm... kể cả ôtô, lẫn xe máy. Có một nghịch lý là hẻm nhỏ thì đi lại chật chội, nhưng người dân hiến đất mở đường xong thì lại trở thành bãi tập kết ôtô, đi lại càng khó khăn hơn, và xung đột nảy sinh từ đó".
"Về mặt luật giao thông, không có biển cấm thì ôtô có thể di chuyển. Nhưng cơ sở hạ tầng ở các thành phố lớn hiện nay thực sự không đủ đáp ứng được khi mà có quá nhiều hẻm nhỏ, cùng lắm cũng chỉ vừa đủ không gian cho hai xe máy chạy. Vì thế, ôtô nên hạn chế chui hẻm, nếu nhà bạn không ở trong đó.
Tôi thấy rất nhiều trường hợp bác tài ráng len lỏi vào hẻm nhỏ vì lười đi vòng đường lớn, hoặc muốn vào tận cửa nhà trong hẻm trong khi đi bộ vào chỉ tầm chục mét, gây ra tình trạng kẹt xe cục bộ trong các hẻm nhỏ, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đó là một thực trạng rất bất cập", độc giả Account nói thêm.
Trong khi đó, với góc nhìn từ phía người điều khiển ôtô, bạn đọc Thanhduy phản biện: "Người đi xe máy hay ôtô đều có nỗi khổ riêng của họ. Giờ mà vào TP HCM tìm được chỗ đậu xe chắc cũng rất gian nan. Vả lại, hẻm ôtô đi được thì tại sao lại cấm. trong khi quy hoạch của thành phố đâu có đặt biển? Chẳng có tài xế nào thích chui vào hẻm nhỏ để đi, trừ khi có việc cần".
Đó cũng là nhận định của độc giả Buinguyenqng: "Trường hợp này là xe hơi thông thường chứ nếu đó là một xe cứu thương hay cứu hỏa muốn vào hẻm nhỏ thì sao, chẳng lẽ người dân cũng đòi cấm? Và nếu người cần được cứu là chính bạn hoặc là người thân thì liệu bạn có ở đó mà bênh cho hành vi để xe máy, chậu hoa chắn lối đi chung trong hẻm không?".
Nhấn mạnh việc nâng cao ý thức cộng đồng để hạn chế xung đột giao thông trong hẻm nhỏ, bạn đọc Nghieple nhận định: "Ai cũng có lúc có việc cần phải đi trên ôtô đến địa chỉ nào đó. Đã là đường đi thì lớn hay nhỏ cũng là đường chung, tài sản công cộng, không ai được để vật dụng lấn chiếm lòng đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người khác. Cuối cùng, nếu ý thức cộng đồng tốt thì mới sống hòa đồng với nhau được. Có những người luôn chiếm lòng đường trước cửa nhà mình, để đủ thứ, nào là xe, cây cảnh, phơi quần áo... rất nhếch nhác".
- Mệt mỏi giành giật từng mét đường với những tài xế đỗ xe chắn cửa
- Ai cũng nghĩ mình đúng khi giành chỗ đỗ xe trước cửa nhà
- Bon chen đô thị nhìn từ giành giật chỗ đậu ôtô
- 'Phạt nguội ôtô đỗ sai thông qua thẻ tín dụng của chủ xe'
- 'Vỉa hè Hà Nội nhanh hỏng là do xe máy'
- 'Nhiều người đỗ ôtô sai quy định nhưng nghĩ mình là nạn nhân'