10 tháng kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ, đại dịch vẫn hoành hành khắp đất nước, với số ca nhiễm mới hiện nay tương đương mức hồi tháng 7. Vùng dịch lớn nhất thế giới này đã ghi nhận hơn 8,6 triệu ca nhiễm và hơn 228.000 người chết.
31/50 bang được xác định là vùng nguy hiểm với tỷ lệ hơn 100 ca nhiễm mới trên 100.000 cư dân trong tuần qua. 6 bang Hawaii, Kansas, Iowa, Minnesota, Montana và Wisconsin hôm 21/10 ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong một ngày. Các bang Colorado, Illinois, Kentucky và Ohio cũng báo cáo số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục.
Dựa trên quan điểm rằng nền kinh tế không đủ sức chịu đựng những biện pháp phong tỏa khắc nghiệt để chống dịch, giới chức Mỹ quyết định tái mở cửa với mức độ ngày càng tăng, dù người dân dường như vẫn ngần ngại trở về trạng thái bình thường trong bối cảnh còn quá nhiều bất ổn và virus chết người không ngừng lây lan.
"Xử lý đại dịch là điều phải làm, nhưng mọi người vẫn tranh luận về việc chúng ta cần mở cửa đến nhường nào. Trong tình huống này, mở cửa là không đủ. Ý tôi là việc mở cửa chắc chắn sẽ trở thành vấn đề nếu đại dịch vẫn hoành hành", Trevon Logan, nhà kinh tế học tại Đại học bang Ohio, nhận định.
Vài tháng sau khi tái mở cửa, nền kinh tế Mỹ đã cải thiện nhanh hơn so với dự đoán của một số người, nhưng đà hồi phục không đồng đều với tất cả mọi người và cũng bắt đầu chững lại. Gói cứu trợ khẩn cấp của chính phủ đang cạn kiệt và hiện chưa rõ khoản cứu trợ mới có được tiếp tục tung ra hay không.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại công ty Oxford Economics, cho rằng sự hồi phục ban đầu "không có nghĩa là nền kinh tế đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm".
"Tình hình kinh tế hiện nay tiếp tục cho thấy sự giảm sút hoạt động đáng kể so với mức trước khi Covid-19 bùng phát, bất chấp nỗ lực thúc đẩy vô cùng mạnh mẽ về tài chính để kích cầu", Daco nhận xét. Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ giờ đây không tồi tệ như một số người lo ngại, nhưng cũng không tốt đẹp. Thêm vào đó, sự phục hồi ban đầu đang chững lại nhanh chóng.
GDP của Mỹ lao dốc trong quý II, hàng triệu người dân tạm thời thất nghiệp hoặc mất hẳn việc làm. Nhưng không có việc làm không đồng nghĩa với hết tiền, bởi họ vẫn được hưởng lợi từ gói cứu trợ Covid-19 theo Đạo luật CARES, cung cấp gói kích cầu 2,2 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump ký thông qua hồi tháng 3.
Gói ngân sách này bao gồm khoản hỗ trợ 1.200 USD cho hầu hết người trưởng thành ở Mỹ, cùng 600 USD trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tuần cho tới cuối tháng 7, giúp người dân duy trì cuộc sống, thậm chí có thể tiết kiệm. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chưa tăng trưởng trở lại.
Sự phục hồi của thị trường lao động dường như cũng đang đình trệ. Theo ước tính, tháng 9 có thêm 661.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với con số 1,4 triệu trong tháng 8 và 1,7 triệu hồi tháng 7. Ngày càng nhiều người mất hẳn việc làm, giữa lúc sự hỗ trợ của chính phủ cạn kiệt. Tuần trước, số đơn xin thất nghiệp mới đã tăng lên.
"Một điều vô cùng rõ ràng là sức ép với thị trường lao động còn lâu mới chấm dứt", Elise Gould, nhà kinh tế học tại Viện Chính sách Kinh tế, nhóm cố vấn phi lợi nhuận ở thủ đô Washington, đánh giá.
Theo dữ liệu từ 80.000 hộ gia đình do NY Times công bố gần đây, ngay sau khi chương trình trợ cấp thất nghiệp của chính phủ hết hạn hồi tháng 7, người dân bắt đầu nhanh chóng tiêu lạm vào các khoản tiết kiệm. Ước tính 8 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo đói kể từ khi trợ cấp từ Đạo luật CARES hết hạn. Người dân ngày càng có nguy cơ cao bị cắt các tiện ích, đối mặt việc bị tịch thu nhà cửa và không được đảm bảo lương thực.
Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các tầng lớp trong xã hội. Nói một cách đơn giản, những người sở hữu nhiều tiền trên thị trường chứng khoán đang phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nhân viên dịch vụ.
Vào giai đoạn đầu đại dịch, các cuộc thảo luận lạc quan thường đề cập đến mô hình hồi phục hình chữ V, có nghĩa là nền kinh tế sẽ suy thoái, sau đó trở về như cũ. Nhưng giờ đây, giới kinh tế học và chính trị gia ngày càng nói nhiều về khả năng hồi phục hình chữ K, về cơ bản nghĩa là những người giàu có ở tầng lớp trên sẽ càng giàu, còn những người dưới đáy xã hội sẽ càng đi xuống.
"Giữa cuộc khủng hoảng Covid-19, các triệu phú và tỷ phú như Trump vẫn làm ăn rất tốt", ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên hôm 29/9. "Tuy nhiên, những người ở nhà, sống trong các thị trấn nhỏ, hoặc các thị trấn của tầng lớp lao động Mỹ, các bạn đang thế nào?".
Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 7,9% hồi tháng 9, nhưng những dữ liệu chi tiết lại phản ánh bức tranh phức tạp hơn. Phụ nữ đang rời lực lượng lao động với tỷ lệ đáng kinh ngạc, do trường học đóng cửa và gánh nặng chăm sóc con cái dồn lên họ. Bên cạnh đó là sự chênh lệch lớn trong tỷ lệ thất nghiệp giữa các nhóm xã hội, với người lao động da trắng ở mức 7%, trong khi người da màu và gốc Latinh lần lượt là 12,1% và 10,3%.
Hoàn cảnh giữa các ngành nghề và loại hình kinh doanh cũng khác nhau. "Hai thực tế đang diễn ra song song. Trên một số phương diện, nền kinh tế đang phục hồi rất mạnh mẽ. Nhưng trong những lĩnh vực khác, như khách sạn và nhà hàng, các doanh nghiệp nhỏ thuộc cộng đồng thiểu số và thu nhập thấp phải đối mặt tình huống khó khăn hơn nhiều", Raphael Bostic, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở thành phố Atlanta, cho biết hôm 18/10.
Theo bình luận viên Emily Stewart của Vox, đại dịch càng kéo dài thì những thay đổi càng bám rễ sâu sắc trong nền kinh tế, người Mỹ ngày càng khó thoát khỏi "chiếc hố" đang lớn dần.
Các công ty từng cố gắng cầm cự cuối cùng phải sa thải nhân viên, như tập đoàn Disney, công ty bảo hiểm Allstate hay nhiều hãng hàng không. Những doanh nghiệp nhỏ đủ khả năng chống đỡ vài tháng bất ổn cũng đóng cửa. Những người chưa đủ khả năng trả tiền hóa đơn đối mặt nguy cơ mất nhà và lâm vào cảnh nợ nần.
Nhà kinh tế học Gould cho rằng giờ đây không cần phải bàn luận đến khả năng đưa nền kinh tế trở lại mức trước đại dịch, bởi Mỹ đã bỏ lỡ những tháng đáng lẽ có cơ hội tăng trưởng.
Bình luận viên Stewart nhận định Covid-19 và nền kinh tế có mối liên hệ mật thiết với nhau, không thể khắc phục kinh tế nếu đại dịch chưa xử lý xong. Chính phủ liên bang có thể cố gắng can thiệp để giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng việc đó hiện nay cũng không còn tiếp diễn. Nền tảng của một nền kinh tế vững chắc là lực lượng lao động khỏe mạnh. Mỹ giờ đây không có cả hai thứ đó.
"Cuộc khủng hoảng này tồi tệ hơn nhiều so với năm 2008. Nó bắt đầu từ một đại dịch, và chúng ta không thể ngăn kinh tế lao dốc chừng nào đại dịch chưa được kiểm soát", thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren nêu ý kiến.
Theo bình luận viên Stewart, tác động của Covid-19 thể hiện trên thị trường chứng khoán chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi phần lớn diễn ra trong các gia đình Mỹ, nơi mọi người lo lắng về thu nhập, mức độ an sinh xã hội, hay đơn giản là kiếm đủ thức ăn cho ngày mai. "Chúng ta không biết được những điều tiêu cực đang diễn ra, bởi chúng nằm sau những cánh cửa đóng kín của mỗi gia đình", Stewart viết.
Ánh Ngọc (Theo Vox)