Những ngày này ở Hàn Quốc, các đài truyền hình đưa tin về Mỹ với hình ảnh dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm nCoV, hay biểu đồ mô tả số ca tử vong vì đại dịch tăng theo cấp số nhân. Nhiều tiêu đề báo đặt câu hỏi về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, đi kèm các bức ảnh người biểu tình phản đối gian lận bầu cử.
Một bài xã luận mới đây trên Hankyoreh, một trang nhật báo lớn của phe trung tả, có tiêu đề "Covid-19 và sự sụp đổ của Mỹ". Một tiêu đề khác trên sisajournal, một tạp chí thời sự nổi tiếng, đặt câu hỏi "Hệ thống bầu cử đáng kinh ngạc khiến bạn tự hỏi 'Liệu Mỹ có thực sự là quốc gia dân chủ?'".
Nhưng không chỉ trên các phương tiện truyền thông, Mỹ cũng trở thành chủ đề trong các cuộc trao đổi ở phòng họp, lớp học, các bữa ăn tối, với thắc mắc chung là "Mỹ đã lạc đường như thế nào?".
Đây là thay đổi bất ngờ ở Hàn Quốc, quốc gia mà nhiều thập kỷ thường xem Mỹ như "anh lớn", như mô hình thành công và tiến bộ mà người Hàn Quốc muốn noi theo. Giờ đây, nhiều người Hàn Quốc nhìn thấy Mỹ là quốc gia thất bại, chia rẽ sâu sắc và không thể đối phó với các thách thức cơ bản.
Sự thay đổi này bắt đầu sau chiến thắng của Tổng thống Donald Trump năm 2016, khi nhiều người Hàn Quốc bất ngờ vì Trump đắc cử sau một loạt bê bối. Nhưng đỉnh điểm của thay đổi là phản ứng rối loạn của Mỹ với Covid-19 và việc Trump cùng đồng mình từ chối thừa nhận kết quả bầu cử.
Với nhiều người Hàn Quốc, 2020 đã phơi bày những vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống của Mỹ, từ chia rẽ đảng phái, mất niềm tin vào chính phủ, tới các lỗ hổng trong hệ thống y tế. Đây là những vấn đề vốn quen thuộc với người dân Mỹ, chứ không phải với người Hàn Quốc, vốn xem Mỹ là ngoại lệ.
Sự ngưỡng mộ dành cho Mỹ đã suy giảm dần khi Hàn Quốc phát triển từ một trong số quốc gia nghèo nhất trở thành nền kinh tế thứ 10 thế giới, theo Lee Hyun-song, giáo sư về biên phiên dịch tại Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, người từng có bài viết cho rằng người Hàn đã thay đổi nhận thức về Mỹ từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, ông cho rằng nhiệm kỳ của Trump và đặc biệt năm 2020 đã thúc đẩy sự thay đổi này, đặc biệt trong thế hệ trẻ của Hàn Quốc, những người cảm thấy tự hào về quốc gia của họ hơn Mỹ.
"Trước đây từng có niềm tin mãnh liệt rằng có thể học hỏi rất nhiều từ Mỹ, nhưng sau đó niềm tin vào người Mỹ sụp đổ khi họ bỏ phiếu cho Trump", ông nói. "Khi xem Mỹ kiểm soát Covid-19 thất bại và biểu tình phản đối đeo khẩu trang trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi nhận ra Mỹ đã không còn là quốc gia phát triển hơn chúng tôi".
Hàn Quốc đã luôn duy trì mối quan hệ thân thiện với Mỹ và khảo sát của BBC năm 2013 chỉ ra người Hàn có quan điểm tích cực nhất về Mỹ trong số các quốc gia châu Á tham gia cuộc thăm dò. Liên minh Mỹ - Hàn đã được thiết lập từ những năm 1950, khi Mỹ giúp kết thúc chiến tranh và ổn định bán đảo Triều Tiên. Từ những năm 1970, hai quốc gia đã trở thành đối tác thương mại thân thiết: Hàn Quốc là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ trong năm 2019.
Giáo dục Mỹ từ lâu cũng được xem là tiêu chuẩn vàng ở Hàn Quốc, là "giấy thông hành" cần thiết của giới thượng lưu. Đây cũng được xem là điểm đến du học được săn đón thứ hai sau Trung Quốc, điểm đến phổ biến hơn có biên giới với bán đảo Triều Tiên.
Lịch sử từng ghi nhận một số làn sóng bài chủ nghĩa Mỹ ở Hàn Quốc nhưng hầu hết chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và chỉ nhắm một một khía cạnh cụ thể. Nhưng hiện tại thái độ với Mỹ đã thay đổi rõ rệt hơn và có phạm vi lớn hơn, khi người Hàn bắt đầu hoài nghi ý tưởng Mỹ là ngọn hải đăng của thịnh vượng, tiến bộ, cũng như vị thế siêu cường toàn cầu của nước này.
Kim Won-jang, phóng viên KBS, đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc, đã thể hiện rõ sự thất vọng trong một chuyên mục gần đây "Không còn nước Mỹ số một". Kim từng học tập ở Mỹ năm 1993 và từng có một năm sống ở Mỹ cùng gia đình hồi năm 2012.
"Mỹ thực sự là quốc gia số một thế giới sao?", Kim đặt câu hỏi trong bài báo đăng ngày 9/11. "Họ thậm chí không thể quản lý một cuộc bầu cử tổng thống, sự kiện lớn nhất đất nước".
Tuy nhiên, Kim thêm rằng dù danh tiếng của Mỹ đã bị tổn hại nghiêm trọng, Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì liên minh với Mỹ để kiềm chế các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Mối quan hệ lâu năm cũng sẽ giữ hai quốc gia gần nhau, bởi người Hàn Quốc vẫn chịu chi số tiền lớn cho các thương hiệu đắt đỏ quả Mỹ. 3,3 triệu người theo dõi Netflix ở Hàn Quốc và hàng năm quốc gia này chi hơn một tỷ won (hơn 900 triệu USD) cho Starbucks.
Song Kim cho rằng Mỹ có thể không còn là điểm đến hấp dẫn nhiều với nhiều người Hàn Quốc như trước. Với các chính sách thị thực khó lường của Trump, số du học sinh Hàn Quốc ở Mỹ có xu hướng giảm đáng kể và không có dấu hiệu hồi phục. Năm 2018, chỉ có 23.488 học sinh, sinh viên Hàn Quốc đăng ký visa Mỹ, giảm 23% so với con số 30.565 năm 2015.
Giáo sư Lee Hyun-song nhận định nhiều khả năng tổng thống đắc cử Joe Biden có thể làm chậm hoặc đảo ngược quá trình suy giảm danh tiếng của Mỹ ở Hàn Quốc, đồng thời giúp hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Nhiều người Hàn đã cảm thấy nhẹ nhõm khi Biden đánh bại Trump trong cuộc bầu cử vừa qua.
Kim cho rằng mọi con mắt giờ sẽ đổ dồn vào tân tổng thống để xem liệu ông có thể kiềm chế tâm lý "Nước Mỹ trước tiên", điều đã khiến nhiều liên minh của Mỹ đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Tuy nhiên, giới quan sát khẳng định có những tổn hại sẽ không thể khôi phục, như rất khó để người Hàn Quốc có thể xóa đi hình ảnh các bệnh viện Mỹ chật kín người và các đám đông không đeo khẩu trang.
"Rõ ràng người Hàn Quốc sẽ không dành cho Mỹ sự ủng hộ vô điều kiện như họ đã từng", Lee nói.
Thanh Tâm (Theo Politico)