Ngay sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan, Bharat Biotech là một trong hai công ty Ấn Độ quyết định tham gia nỗ lực phát triển vaccine, bên cạnh hãng dược phẩm Zydus. Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan thuộc chính phủ, đã chọn Bharat Biotech để hợp tác phát triển vaccine, nhưng vai trò của ICMR chủ yếu là cung cấp mẫu virus.
Phần lớn công việc nghiên cứu và các khoản đầu tư đều do Bharat Biotech, công ty có trụ sở tại thành phố Hyderabad, đảm nhận.
Bharat Biotech là cái tên khá quen thuộc trong lĩnh vực phát triển và sản xuất vaccine. Tại thời điểm quyết định dấn thân vào hành trình phát triển vaccine Covid-19, Bharat Biotech đã sở hữu 15 loại vaccine phòng ngừa nhiều bệnh trên thị trường, bao gồm vaccine rota phòng bệnh tiêu chảy được phát triển sau 10 năm nghiên cứu.
Bharat Biotech còn phát triển vaccine thương hàn dựa trên một công nghệ tiên tiến, được đưa vào thị trường cách đây ba năm và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng toàn cầu. Đây là loại vaccine duy nhất trên thế giới cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài trước bệnh thương hàn.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào phát triển vaccine Covid-19 mang tên Covaxin, Bharat Biotech lại lựa chọn công nghệ virus bất hoạt truyền thống, hiệu quả đã được chứng minh theo thời gian, khác với một số công ty trên thế giới đặt cược vào những công nghệ mới và phức tạp. Công nghệ virus bất hoạt được coi là cách tiếp cận an toàn, ít có khả năng gây tác dụng phụ hơn.
Lựa chọn của Bharat Biotech nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng khoa học. Tuy nhiên, một số động thái của chính phủ Ấn Độ lại khiến Covaxin bị hoài nghi, không chỉ trong giới khoa học mà còn trong công chúng, dẫn đến lo ngại ở cả nước ngoài.
Hồi đầu tháng 7/2020, Tổng giám đốc ICMR Balram Bhargava bị phát hiện yêu cầu các bệnh viện đang thử nghiệm Covaxin "đẩy nhanh mọi phê duyệt liên quan đến thử nghiệm lâm sàng", bởi vaccine "được dự kiến đưa vào sử dụng chậm nhất vào ngày 15/8/2020". Ông thậm chí cảnh báo "hành vi không tuân thủ sẽ bị xem xét nghiêm túc".
Nội dung chỉ thị của Bhargava dường như cho thấy Covaxin có thể được cấp phép trong vòng một tháng rưỡi, nhưng các vaccine thường mất tới vài năm để được phê duyệt. Do đó, điều này để lại ấn tượng rằng giới chức Ấn Độ sẵn sàng cấp phép cho một loại vaccine chưa trải qua các thử nghiệm an toàn đầy đủ, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Dù Tổng giám đốc ICMR sau đó rút lại chỉ thị, ấn tượng ban đầu về Covaxin vẫn không thay đổi và càng thêm sâu sắc vào tháng 1, khi Covaxin được Ấn Độ phê duyệt sử dụng khẩn cấp, dù chưa có kết quả sơ bộ từ các thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba. Ngoài ra, số ca nhiễm nCoV tại Ấn Độ lúc này liên tục giảm, nhu cầu vaccine không quá cấp thiết, trong khi chỉ còn vài tuần là có kết quả thử nghiệm sơ bộ, khiến tâm lý hoài nghi Covaxin thêm gia tăng.
Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi, Covaxin đã phát huy hiệu quả khá tốt sau khi được triển khai trên thực tế. Mức độ an toàn và hiệu quả của Covaxin được đánh giá sánh ngang các vaccine Covid-19 khác trên thị trường, với tỷ lệ hiệu quả 78% ở bất kỳ mức độ bệnh nghiêm trọng nào, sau khi tiêm đủ hai mũi từ 14 ngày trở lên.
Cùng với Covishield, vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển được Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, Covaxin đã đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống đại dịch tại Ấn Độ.
Nước này từng có lúc ghi nhận hơn 400.000 ca nhiễm và hàng nghìn người chết vì Covid-19 mỗi ngày trong làn sóng đại dịch thứ hai thảm khốc, nhưng giờ đây các con số giảm xuống rõ rệt, còn lần lượt khoảng 12.000 và 400. Ấn Độ cũng đã mở cửa cho những người được tiêm chủng đầy đủ đến từ 99 quốc gia mà không cần cách ly.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai Covaxin vẫn gặp một số khó khăn, bao gồm thách thức đối với Bharat Biotech trong mục tiêu gia tăng đáng kể sản lượng vaccine theo kế hoạch. Covaxin mới chiếm khoảng 11% tổng số vaccine Covid-19 được sử dụng tại Ấn Độ, dù tỷ lệ này tương đương hơn 100 triệu liều.
WHO hôm 3/11 phê duyệt sử dụng khẩn cấp Covaxin, đánh giá vaccine Covid-19 này "cực kỳ phù hợp với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình" do yêu cầu bảo quản tương đối dễ dàng, mở ra cơ hội tăng cường tiếp cận nguồn cung vaccine cho các nước nghèo. Quyết định phê duyệt của WHO cũng cần thiết đối với những người Ấn Độ muốn xuất cảnh, bởi Covaxin trước đó chỉ được một vài quốc gia chấp thuận.
Bên cạnh đó, sự công nhận đối với Covaxin được cho là còn giúp thúc đẩy sử dụng vaccine này cho trẻ em. Ấn Độ vừa cấp phép tiêm Covaxin cho những người trong độ tuổi 2-18 sau các thử nghiệm thành công ở nhóm tuổi này.
Quyết định phê duyệt của WHO được cho là cũng giúp Covaxin giành lại được niềm tin từ công chúng. Mục tiêu giờ đây của Bharat Biotech là tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu dự kiến tăng mạnh trong tương lai.
Ánh Ngọc (Theo Indian Express)