Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban ở Qatar, hôm 28/7 tới thành phố Thiên Tân, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc hai ngày và gặp Ngoại trưởng Vương Nghị.
Đây là lần đầu tiên một thành viên cấp cao của Taliban tới Trung Quốc kể từ khi nhóm Hồi giáo này tuyên bố chiếm được một nửa lãnh thổ Afghanistan, kiểm soát cửa khẩu biên giới giáp Tân Cương, Trung Quốc.
Theo Yan Wei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tây Bắc ở Trung Quốc, việc Taliban và Bắc Kinh tương tác với nhau là điều cần thiết.
"Bất kể Taliban có thể trở thành một chính phủ hay không, họ vẫn là lực lượng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chính trị và an ninh của Afghanistan", ông nói. "Taliban có thể kiềm chế một số tổ chức khủng bố ở Afghanistan. Trung Quốc có thể thông qua Taliban đưa ra những ràng buộc nhất định đối với các tổ chức khủng bố. Điều này có ích cho an ninh của Trung Quốc cũng như khu vực".
Giới chuyên gia đánh giá việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và vùng kiểm soát ngày càng mở rộng của Taliban đã mở ra một cánh cửa chiến lược cho Trung Quốc, dù điều này mang theo cả rủi ro lẫn cơ hội.
Khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại ở Afghanistan, nhất là tại những khu vực giáp biên giới Trung Quốc, cũng như việc duy trì ổn định sau nhiều thập kỷ chiến sự ở quốc gia láng giềng phía tây là hai điều khiến Bắc Kinh đặc biệt quan tâm.
Nhưng nếu sự ổn định đó đòi hỏi một chính phủ do Taliban lãnh đạo, đây sẽ là một mối lo lắng lớn đối với Bắc Kinh, bởi Taliban rất có khả năng sẽ hậu thuẫn cho lực lượng ly khai Hồi giáo ở khu vực Tân Cương.
Giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Taliban tồn tại rất ít điểm chung về ý thức hệ, song giới phân tích cho rằng vì các lợi ích chiến lược riêng, hai bên hoàn toàn có thể vượt qua những khác biệt nhạy cảm.
"Với Trung Quốc, rủi ro không đến từ việc ai nắm quyền ở Afghanistan mà nằm ở nguy cơ bất ổn dai dẳng", Fan Hongda, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận xét.
Afghanistan có chung đường biên giới dài 76 km với Trung Quốc ở độ cao lớn và không có cửa khẩu đường bộ. Tuy nhiên, tuyến biên giới này là một mối quan ngại lớn với Trung Quốc, bởi nó chạy dọc vùng Tân Cương và Bắc Kinh lo sợ nước láng giềng Afghanistan có thể bị lợi dụng làm nơi trú ẩn cho lực lượng ly khai Duy Ngô Nhĩ.
"Trung Quốc có thể thỏa hiệp với Taliban... nhưng họ vẫn cảm thấy rằng chương trình nghị sự và động cơ tôn giáo của Taliban vốn không hề dễ chịu", Andrew Small, tác giả cuốn sách "Trục Trung Quốc - Pakistan", cho hay. "Họ chưa bao giờ chắc chắn được Taliban sẵn sàng đến đâu trong việc thực thi các thỏa thuận với những vấn đề như lực lượng ly khai Duy Ngô Nhĩ".
Với Bắc Kinh, một chính quyền ổn định và sẵn sàng hợp tác ở Kabul sẽ mở đường cho việc mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường sang Afghanistan và các nước cộng hòa Trung Á.
Taliban trong khi đó sẽ coi Trung Quốc là một nguồn đầu tư và hỗ trợ kinh tế quan trọng. Hồi đầu tháng, phát ngôn viên Taliban Suhail Shaheen cho biết sau khi Mỹ rút quân, Taliban sẽ phải đàm phán với Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất ở Afghanistan.
"Chúng tôi có quan hệ tốt với họ", Suhail nói. "Chúng tôi hoan nghênh việc Trung Quốc tái thiết và phát triển Afghanistan".
Trung Quốc từng đón một phái đoàn gồm 9 thành viên Taliban đến Bắc Kinh hồi năm 2019.
Theo Thierry Kellner, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Libre de Bruxelles, Bỉ, Trung Quốc từ lâu đã có các mối quan hệ "hậu trường" không chính thức với Taliban thông qua Pakistan và nó cho phép Trung Quốc "tránh được những cuộc tấn công lớn của phiến quân nhằm vào các dự án của mình ở Afghanistan".
Vì chính phủ Afghanistan không thể đảm bảo an ninh cho những nơi mà Trung Quốc muốn đầu tư, "họ giờ đây nghĩ rằng sẽ không tổn hại gì nếu đầu tư vào Taliban và mang về cơ hội", nhà khoa học chính trị Atta Noori ở Kabul bình luận.
Bắc Kinh từng cảnh báo việc Mỹ rút quân có thể biến Afghanistan một lần nữa trở thành "thùng thuốc súng của khu vực và thiên đường cho chủ nghĩa khủng bố".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong các cuộc hội đàm với người đồng cấp Afghanistan và Pakistan cũng nhấn mạnh cần "đưa Taliban trở lại bàn thảo luận chính trị thông thường".
Trong trường hợp Taliban kiểm soát được toàn bộ Afghanistan, Bắc Kinh sẽ coi đầu tư tài chính như một cách để gia tăng hỗ trợ nhóm này.
"Trung Quốc không bao giờ muốn bị kéo vào xung đột ở Afghanistan, song lại rất muốn tham gia về kinh tế, tận dụng nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của nước này", Noori cho biết thêm.
Trung Quốc lâu nay bị nhiều nước phương Tây cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, điều mà Bắc Kinh một mực bác bỏ. Bắc Kinh liên tục rót tiền đầu tư vào đồng minh thân cận nhất ở khu vực là Pakistan nhằm lôi kéo ủng hộ, điều được cho là khiến Thủ tướng Pakistan Imran Khan đến nay vẫn giữ im lặng về vấn đề này.
Bằng cách ký các thỏa thuận với Taliban, Bắc Kinh hy vọng rằng nhóm Hồi giáo này cũng sẽ giữ thái độ trung lập về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, người phát ngôn Taliban Shaheen đã tuyên bố rằng "nếu có vấn đề gì với người Hồi giáo (ở Trung Quốc), tất nhiên chúng tôi sẽ nói chuyện với chính phủ Trung Quốc".
Theo Ayesha Siddiqa, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Pakistan và các khoản đầu tư của nước này, Trung Quốc trước mắt sẽ đóng băng các khoản đầu tư vào Afghanistan vì nhiều vấn đề.
"Liệu Afghanistan đã sẵn sàng để đầu tư chưa? Câu trả lời là chưa", bà nói. "Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn tỏ ra rụt rè khi rót tiền vào Afghanistan và họ sẽ tiếp tục giữ vị thế như vậy cho đến khi có bức tranh rõ ràng hơn về tương lai nước này".
Vũ Hoàng (Theo AFP, SCMP)