Người xưa có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Lúc nhỏ, tôi chưa thật sự hiểu câu nói đó. Đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu được sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm, hiểu lúc "Tối lửa tắt đèn có nhau" là thế nào. Sống trong thành phố, ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ "tình làng nghĩa xóm" mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến.
Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa, là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đã dần làm phai nhạt đi cái tình, cái nghĩa trong mối quan hệ hàng xóm với nhau. Nhịp sống hiện đại cùng lối sống thị dân đã khiến chúng ta dần thiếu cởi mở hơn với những người hàng xóm. Và chúng ta quen gọi đó là "tôn trọng sự riêng tư".
Cách đây khoảng 20 năm trở về trước, khi cùng sống trong một ngõ phố, hầu như nhà nào cũng biết nhau. Những đứa trẻ trong ngõ khi ấy vui chơi với nhau cả ngày, là những người bạn thân thiết đến tận khi trưởng thành. Thế nhưng, ngày nay khi trở về cùng khu phố đó, người ta không còn nhiều sự quan tâm tới nhau đến như vậy nữa.
Gia đình nào cũng bắt đầu ngày mới một cách hối hả với việc ăn, việc học, việc làm của mỗi thành viên trong gia đình và kết thúc một ngày khi đã mệt lử, về nhà, tắt đèn, đóng cửa ở trong. Cứ dần dần như thế, tình cảm giứa những người hàng xóm với nhau ngày càng mờ nhạt đi. Các mối quan hệ hàng xóm hầu như không được nhắc tới, chỉ có những mối quan hệ với xã hội bên ngoài được ưu tiên hơn.
Trước đây, tôi vẫn nghĩ như vậy. Nhưng đến khi nhận được sự giúp đỡ của gia đình hàng xóm liền kề, tôi đã phải thay đổi suy nghĩ. Tôi nhận ra rằng, dù ở thời đại nào thì vẫn có sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau. Chỉ là, chúng ta có cơ hội thể hiện điều đó hay không và có cảm nhận được điều đó hay không mà thôi.
>> Cuộc chiến với tiếng ồn của hàng xóm từ 5 giờ sáng
Chuyện là đầu tháng 12, gia đình nhà hàng xóm liền kề với nhà tôi thuê thợ đến sửa lại tầng một do nhà xây đã 22 năm, nền nhà bị sụt lún, đường ống nước bị tắc, tủ bếp, nhà vệ sinh bị hỏng... nên buộc phải làm lại. Nhà tôi mới xây 12 năm nên chưa bị hỏng nhiều, chỉ có mấy viên gạch lát nền tầng một bị vỡ do nhiều năm đỗ ôtô trong nhà.
Tôi có mở lời với vợ chồng anh chị rằng: "Nhân tiện có thợ sửa nhà bên đấy, tôi muốn nhờ anh chị cho thợ sang lát lại các viên gạch bị vỡ giúp nhà tôi có được không?". Nghe vậy, anh chị vui vẻ nhận lời luôn. Hết ba tuần sửa nhà, thợ chỉ còn làm hai ngày nữa là xong việc, chị vợ chủ động báo tin cho tôi bố trí thời gian ở nhà để thợ sang làm luôn. Chị còn ở nhà trông thợ giúp tôi khi tôi phải đi đón con con đi học về.
Suốt mấy tiếng thợ lát lại gạch, chị vẫn quan sát tỉ mỉ cho đến khi làm xong mới thôi. Khi thợ đã lát xong gạch hết, tôi hỏi vợ chồng anh chị xem tiền công thợ thế nào để trả luôn cho họ về. Thế nhưng, vợ chồng người hàng xóm từ chối, nói rằng "đằng nào cũng là công thợ làm cho nhà mình nên coi như làm giúp". Tôi thiết tha đề nghị được trả tiền nhưng anh, chị đều nhất định không lấy và bảo "chẳng đáng bao nhiêu".
Thú thực, ban đầu tôi cứ nghĩ đơn giản rằng mình chỉ thuê thợ nhà anh, chị, còn hết bao nhiêu tiền công bản thân sẽ tự trả sòng phẳng. Không ngờ rằng, người hàng xóm tốt bụng chỉ giúp đỡ chứ không lấy tiền.
Hôm sau, anh chồng nhà bên lại khoan tường phía trước cửa nhà để làm giá đỡ treo cờ tổ quốc. Tiện tay, anh làm luôn cho nhà tôi. Anh còn bảo anh sẽ làm biển số nhà trên tường cho hai nhà luôn. Những việc làm tưởng chừng rất nhỏ ấy nhưng thực sự khiến tôi vô cùng cảm động.
Bình thường, tôi chưa giúp gì được cho nhà anh, chị. Nhưng khi tôi cần sự giúp đỡ, họ lại không ngại ngần mà nhiệt tình giúp đỡ tôi những việc cần đến bàn tay của người đàn ông trong gia đình (nhà tôi chỉ có ba mẹ con). Nhiều khi trong nhà hỏng điện, hỏng nước, hoặc cần lắp đặt cái gì, tôi chờ thợ đến có khi còn lâu hơn nhờ hàng xóm.
Khu phố tôi ở có rất nhiều người hàng xóm tốt bụng như thế. Họ nhiệt tình giúp đỡ mọi người xung quanh và có trách nhiệm chung với tập thể. Một sự việc khác cũng khiến tôi không bao giờ quên, đó là khi chứng kiến vụ cháy trong khu phố mình ở vào sáng ngày 13/5 vừa qua. Tôi tận mắt trông thấy hàng xóm của mình đã hết lòng để hỗ trợ gia đình gặp nạn. Dù không may mắn cứu được ai nhưng tôi không thể quên hình ảnh những người hàng xóm mang hết bình cứu hỏa, xô nước chạy sang dập lửa giúp gia đình hàng xóm.
Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao lại không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống, phải không? Nếu có những người hàng xóm yêu mến lẫn nhau, chẳng phải khi khó khăn xảy đến, họ sẽ là những người ở bên giúp đỡ chúng ta đầu tiên hay sao?
Thử tưởng tượng nếu một ngày chúng ta bị đau ốm, bệnh tật, cần cấp cứu ngay thì ai sẽ có mặt sớm nhất để giúp mình? Đó sẽ là những người hàng xóm sống sát vách hay chờ đợi sự trợ giúp từ những người thân ở nơi xa? Vì vậy, thay bằng "đóng cửa, đóng tình người" tôi mong mỗi người Việt hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người hàng xóm lân cận của mình Hãy yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt, để dù là ở khu phố hay khu chung cư thì tình cảm yêu mến giữa những người sống cạnh nhau vẫn được duy trì.
Có thể trên góc nhìn nào đó, thời nay, tình cảm lối xóm không còn giữ được sự đậm đà, thân thiết như thời của ông bà ta ngày xưa. Và những câu chuyện về sự vô cảm, xa cách, khó chịu của những người là hàng xóm với nhau vẫn nhan nhản mỗi ngày trên mạng xã hội. Nhưng dù thế nào đi nữa, vẫn còn rất nhiều câu chuyện về tình người, về tình làng nghĩa xóm làm chúng ta cảm thấy ấm lòng và cảm động. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, và cần được lưu giữ.
>>Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Sống trong cộng đồng xã hội, con người không thể sống đơn độc, chúng ta vẫn cần có lúc phải hỗ trợ lẫn nhau. Và từ những điều nhỏ nhoi mà ấm áp mỗi ngày, tôi tự nhủ nên sống nhiệt tình, quan tâm hơn nữa đến hàng xóm láng giềng. Nhưng để có được tình làng nghĩa xóm đúng nghĩa cũng không phải dễ nếu chúng ta không có một quan niệm sống mình vì mọi người, mọi người vì mình từ những điều đơn giản nhất. Đó là một trong những cơ sở, nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa, con người văn hóa và vùng đất văn hóa.
Vũ Thị Minh Huyền