Câu chuyện nợ nần của những tập đoàn, tổng công ty như Vinashin hay Vinalines nóng trở lại khi các ngân hàng bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay. Lần lượt lãnh đạo SHB, Vietinbank rồi Techcombank nhận được câu hỏi từ phía cổ đông về dư nợ của 2 "ông lớn". Trước đó, báo cáo tài chính đã qua kiểm toán của một tổ chức tín dụng khác là PVFC cũng lưu ý đến khoản nợ 2.600 tỷ của 2 đơn vị này.
Cổ đông nhiều ngân hàng đang thắc mắc về số nợ tại Vinashin, Vinalines. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, khác với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), nơi mà con số tổng được công bố vào giữa năm 2010 là hơn 86.000 tỷ đồng, số liệu nợ nần của Tổng công ty Hàng hải thực tế mới chỉ được công bố rải rác ở một số tổ chức tín dụng. Bức tranh đầy đủ nhất cho đến thời điểm này mới chỉ được hé lộ tại dự thảo đề án tái cơ cấu tổng công ty, được Vinalines trình Bộ Giao thông Vận tải giữa năm 2012. Đây là cơ sở để xây dựng đề án chính thức, được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu tháng 2/2013.
Theo đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2012, dư nợ công ty mẹ phải trả tại các tổ chức tín dụng là 321 triệu USD, tương đương gần 6.690 tỷ đồng tại thời điểm đó. Bên cạnh các chủ nợ ngân hàng là Vietcombank (348 tỷ), Vietinbank (862 tỷ), Citibank (173 tỷ), Vinalines còn cho biết có nợ trái phiếu 1.175 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Khoản trái phiếu phát hành năm 2010 này hiện có trái chủ là 4 nhà băng: Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank.
Số nợ nêu trên chủ yếu được Vinalines đầu tư vào các dự án cảng, mua sắm tàu, đặc biệt trong giai đoạn phát triển nóng (2007 - 2008). Sự đi xuống của thị trường vận tải biển giai đoạn sau đó đã khiến tổng công ty gánh lỗ từ chính những dự án này.
Đơn cử như 3 con tàu Vinalines Global, Vinalines Sky và Vinalines Ocean đang khiến cho tổng công ty này phải chịu lỗ 5.000 - 12.800 USD mỗi ngày. Theo phương án đề xuất, Vinalines sẽ tiến hành bán cả 3 con tàu để giảm nợ. Ngay cả trong trường hợp này, dư nợ còn lại riêng tại 3 dự án vẫn lên tới hơn 820 tỷ đồng.
Nợ ở công ty mẹ Vinalines không thấm vào đâu so với con số tổng hợp tại các đơn vị thành viên. Đến tháng 5/2012, các công ty con trong hệ thống nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổng cộng 61.768 tỷ đồng, tương đương hơn 2,96 tỷ USD. Trong số này khoảng ba phần tư là nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài, với 2.607 tỷ đồng nợ quá hạn. Tương tự như công ty mẹ, số tiền này cũng được các đơn vị của Vinalines sử dụng chủ yếu vào việc mua sắm tàu trong giai đoạn từ 2005 đến nay.
Riêng trong năm 2012, Vinalines cho biết toàn hệ thống có nghĩa vụ trả tổng cộng hơn 6.275 tỷ đồng tiền nợ. Trong điều kiện khó khăn về khả năng thanh toán, tổng công ty này chỉ có thể trả trước 2.050 tỷ, còn lại "xin tái cơ cấu".
Phương án xử lý trước mắt được Tổng công ty hàng hải đưa ra với 4.200 tỷ đồng còn lại bao gồm được khoanh nợ gốc và lãi đến hết 2013 đối với số vốn vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB (tương tự các đơn vị thuộc Vinashin). Các khoản vay khác cũng được thực hiện khoanh nợ gốc và lãi vay, kéo dài thời gian trả nợ để "tận dụng nguồn thu tập trung phục vụ duy trì hoạt động đội tàu".
Về dài hạn, để giải quyết khối nợ gần 3 tỷ USD của cả tổng công ty, Vinalines đề xuất giải pháp chủ yếu là "bán tàu". Sau khi bán, số nợ còn lại được ước khoảng 6.123 tỷ đồng tiếp tục được doanh nghiệp này xin khoanh, giãn, thậm chí xóa toàn bộ nợ gốc tại các ngân hàng.
Dư nợ các đơn vị thuộc Vinalines tại các ngân hàng sau khi bán tàu
Công ty |
VFC* |
VDB |
Vietcombank |
Agribank |
Vietinbank |
Ngân hàng khác |
Cộng |
Công ty mẹ |
|
|
152 |
|
685 |
|
837 |
Vinashinlines |
2.706 |
444 |
|
|
|
|
3150 |
Biển Đông |
|
732 |
|
394 |
463 |
168 |
1757 |
Đông Đô |
|
|
|
|
|
306 |
306 |
Falcon |
|
|
|
|
|
65 |
65 |
Vitranschart |
|
|
|
|
|
7,5 |
7,5 |
Cộng |
2.706 |
1176 |
152 |
394 |
1.48 |
546 |
6.123 |
*VFC: Công ty Tài chính Vinashin. Đơn vị: Tỷ đồng.
Tại một cuộc họp gần đây của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo Vinalines báo cáo về việc triển khai tái cơ cấu. Đại diện tổng công ty cho biết, hiện công tác tái cơ cấu tài chính còn rất nhiều vướng mắc do các ngân hàng không đồng ý khoanh hoặc xóa nợ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Thăng cho rằng, thực chất ngân hàng rất muốn xử lý những khoản nợ còn đọng tại các doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines. Do đó nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm chạp là do tổng công ty này chưa xây dựng được đề án cụ thể, khả thi, chưa chịu làm việc với các nhà băng "đến nơi đến chốn". "Nếu cần thiết, trực tiếp lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với các ngân hàng để đàm phán cách xử lý các khoản nợ này", Bộ trưởng Đinh La Thăng thúc giục.
Ngọc Tuyên - Nhật Minh