Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký thông qua. Theo đó, 3 lĩnh vực chính mà Vinalines phải tập trung thực hiện sau khi tái cơ cấu bao gồm vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. “Vinalines là doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong 3 lĩnh vực này”, đề án xác định.
Vinalines sẽ thoái vốn, giải thể, cho phá sản hơn 40 công ty con. Ảnh: Hoàng Hà |
Để tập trung thực hiện nhiệm vụ chính, đồng thời tháo gỡ khó khăn hiện tại, Vinalines sẽ tiến hành phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên, trong đó cho phá sản 2 doanh nghiệp là Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon). Đây là 2 đơn vị yếu kém và “bê bối” nhất của Vinalines thời gian qua với nhiều vụ bắt tàu, bỏ hoang tàu, bỏ rơi thủy thủ gây… khiến dư luận chú ý trong thời gian qua.
Tổng công ty Hàng hải cũng sẽ cho giải thể 2 đơn vị khác là Chi nhánh Tổng công ty tại Cần Thơ và Liên doanh Trung tâm Nhân lực hàng hải Đông Nam Á (Vina-STC). Trong giai đoạn 2012 - 2015, Vinalines cũng sẽ phải thoái vốn khỏi 37 doanh nghiệp khác, sáp nhập Công ty thương mại Xăng dầu đường biển và Công ty kinh doanh Xăng dầu Vinalines phía Bắc để cổ phần hóa và thoái vốn.
Sau khi tái cơ cấu, Vinalines sẽ chỉ nắm giữ 100% vốn tại 2 doanh nghiệp và 50 - 75% vốn tại 30 doanh nghiệp khác. Trong 3 lĩnh vực tập trung sau tái cơ cấu, đối với vận tải biển, đề án yêu cầu Tổng công ty cơ cấu lại đội tàu phù hợp với thị trường (đặc biệt là nội địa), có phương án bán những tàu cũ khai thác không hiệu quả để giảm lỗ. Vinalines cũng cần rà soát lại các chương trình đóng mới tàu biển phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu. Trước mắt, dừng triển khai đóng mới 6 tàu, giãn tiến độ thực hiện 11 tàu và tập trung đóng mới dứt điểm 7 tàu để đưa vào khai thác theo chương trình đã ký với Vinashin.
Nhật Minh